Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn.
VANTHONGLAW - Học Trong sự phát triển của xã hội, khi Nhà nước và pháp luật ra đời thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được ghi nhận bằng pháp luật và bảo đảm thực hiện thông qua các thiết chế do Nhà nước thiết lập. Theo đó, quyền khởi kiện của tổ chức, cá nhân đã được pháp luật quy định và chủ thể cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc khởi kiện.
Bài liên quan
Khởi kiện vụ án dân sự (VADS) được pháp luật ghi nhận là hoạt động tố tụng đầu tiên bảo vệ quyền dân sự của chủ thể có quyền hay lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và các chủ thể được pháp luật trao quyền; là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự (TTDS). Khi đơn khởi kiện của các chủ thể đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì Tòa án có trách nhiệm thụ lý vụ án.
Ở Việt Nam, vấn đề khởi kiện và thụ lý VADS được quy định trong các văn bản pháp luật từ khá sớm [153, Điều 508] và ngày càng được hoàn thiện. Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004 là văn bản pháp luật quy định đầy đủ và có hệ thống các vấn đề về TTDS nói chung và chế định khởi kiện và thụ lý VADS nói riêng. BLTTDS đã bổ sung những thiếu sót, khắc phục được những điểm bất cập, chưa hợp lý về khởi kiện và thụ lý VADS trong các Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (PLTTGQCVADS), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế (PLTTGQCVAKT), Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (PLTTGQCTCLĐ).
Đồng thời, các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS trong BLTTDS đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương về cải cách tư pháp được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới... Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện BLTTDS năm 2004, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) cho rằng: "Khi triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự cho thấy một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định; có những quy định chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế đa phương và song phương; có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác; có những quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau; có những quy định chưa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự" [100, tr. 1-2].
Nhận thức được những hạn chế, bất cập trong các quy định của BLTTDS năm 2004, Quốc hội khóa 12 đã ban hành Luật số 65/2011/QH12 ngày 29/03/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2004, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) (sau đây gọi là BLTTDS năm 2011) chỉ giải quyết được một phần vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của BLTTDS. BLTTDS năm 2011 nói chung, các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS nói riêng vẫn còn có những quy định chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa thực sự bảo đảm quyền con người, quyên công dân.
Thực tiễn tố tụng tại Tòa án cho thấy, có nhiều VADS sau khi đã được thụ lý giải quyết trong một thời gian khá dài, các bên đương sự trong vụ án phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để theo kiện tại Tòa án nhưng sau đó lại nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện. Thậm chí có vụ án đã qua nhiều cấp xét xử cả sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm nhưng sau đó Tòa án lại ra phán quyết đình chỉ việc giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện do các căn cứ thụ lý vụ án không đúng.
Theo số liệu tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2014 của TANDTC cho thấy, về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự năm 2013: "Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 301.912 vụ, tăng 30.606 vụ; đã giải quyết, xét xử 274.303 vụ… Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,1% trên tổng số các vụ việc đã xét xử sơ thẩm (do nguyên nhân chủ quan 1,1% và do nguyên nhân khách quan 0,5%". Báo cáo cũng nêu một số khuyết điểm, thiếu sót trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án trong năm 2013 như: " …Xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp. Xác định thiếu người tham gia tố tụng; xác định không đúng yêu cầu khởi kiện của đương sự. Xác định sai thời hiệu khởi kiện; Thụ lý giải quyết vụ án không đúng thẩm quyền…" [102].
Tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015 của các Tòa án thể hiện tỉ lệ các bản án, quyết định dân sự bị hủy đã giảm còn 1% và bị sửa còn 1,5% nhưng do nguyên nhân chủ quan vẫn chiếm đa số. Báo cáo cũng chỉ ra một số khuyết điểm, tồn tại trong công tác giải quyết các vụ việc dân sự như: "... xác định thiếu người tham gia tố tụng; xác định không đúng quan hệ tranh chấp; sai thời hiệu khởi kiện hay thẩm quyền xét xử... Chưa xem xét đầy đủ yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến giải quyết không đủ hoặc vượt quá yêu cầu của đương sự..." [103].
Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do năng lực của một bộ phận Thẩm phán, cán bộ Tòa án còn hạn chế nhưng nguyên nhân khách quan là do pháp luật về khởi kiện và thụ lý VADS đang có nhiều bất cập, một số quy định của pháp luật TTDS hiện hành chưa thực sự đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền khởi kiện đã được pháp luật quốc tế và quốc gia thừa nhận như một phương thức bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhận thức được những hạn chế, bất cập trong các quy định của BLTTDS, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công cho TANDTC chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng Dự án BLTTDS năm 2015. Trong quá trình thực hiện Dự án, đã có nhiều quan điểm, ý kiến có giá trị được đưa ra nhằm hoàn thiện các quy định của BLTTDS trong đó có các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS.
Tuy nhiên, BTTDS năm 2015 được được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 mới chỉ giải quyết được phần nào vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định về khởi kiện và thụ lý VADS và còn có những quy định chưa phù hợp với lý luận, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, có quy định chưa rõ ràng, minh bạch dẫn đến có nhiều cách hiểu và áp dụng không thống nhất. Thực tiễn thực hiện khởi kiện và thụ lý VADS vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng quy định, thụ lý vụ án sai thẩm quyền, chậm xem xét, thụ lý đơn khởi kiện, lúng túng trong việc xem xét các điều kiện thụ lý VADS.
Báo cáo tổng kết công tác Tòa án cho thấy, năm 2016, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,75% (do nguyên nhân chủ quan 0,63% và do nguyên nhân khách quan 0,12%) với các sai sót chủ yếu như xác định thiếu người tham gia tố tụng hoặc xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng, xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, sai thời hiệu khởi kiện hay thẩm quyền xét xử [108]. Năm 2017, tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 0,73% (do nguyên nhân chủ quan 0,6% và do nguyên nhân khách quan 0,13%); bị sửa là 1,1% (do nguyên nhân chủ quan 0,7 và do nguyên nhân khách quan 0,4%) [112]. Vai trò của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trên thực tế còn hạn chế và đôi khi còn chưa được tôn trọng.
Một số Viện kiểm sát (VKS) chưa thực sự coi trọng công tác kiểm sát hoạt động trả lại đơn khởi kiện và thụ lý VADS của Tòa án... Trước tình hình đó, việc nghiên cứu toàn diện, sâu sắc các quy định của BLTTDS năm 2015 về khởi kiện và thụ lý VADS để nhận biết được những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập của quy định pháp luật cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp bảo đảm thực hiện khởi kiện và thụ lý VADS là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hơn nữa, việc nghiên cứu đề tài "Khởi kiện và thụ lý vụ án dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" cũng nhằm bảo vệ tối đa quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đáp ứng một trong các nhiệm vụ cải cách tư pháp được đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới: "Khi xét xử, các Tòa án phải bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...
Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên...nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp" và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: "Tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự...; bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người".
Luật Vạn Thông st