Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là tài sản?
Bài liên quan:
“Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
Tài sản dưới dạng vật và tiền có lẽ không quá xa lạ với các giao dịch dân sự thường nhật bởi đây là những loại tài sản phổ biến và xuất hiện hầu hết trong cuộc sống của người dân. Ví dụ về tài sản dưới dạng vật như: vàng, xe máy
Tuy nhiên, giấy tờ có giá và quyền tài sản thì ngược lại. Đây là những loại tài sản không quá phổ biến trong đời sống ngày thường và những giao dịch liên quan đến hai loai tài sản này còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành khác mà không chỉ giới hạn trong BLDS 2015.
Theo đó, tại khoản 8 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 thì
“Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
Và quyền tài sản thì được ghi nhận tại Điều 115 BLDS 2015 như sau
“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải tài sản?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được định nghĩa tại khoản 16
Điều 4 Luật Đất đai 2013:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Từ khái niệm trên, có thể thấy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng là một loại giấy tờ có tính pháp lý, ghi lại sự xác nhận của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của chủ thể sử dụng đất. Vì vậy, Giấy chứng nhận này không được xem là tài sản dưới dạng vật hay dưới dạng tiền bởi nó không mang giá trị tự thân có thể tham gia vào các giao dịch dân sự một cách độc lập, nói cách khác, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ là sự đại diện của quyền sử dụng đất hợp pháp của ngưởi sử dụng đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không được xem là Giấy tờ có giá bởi bản chất của Giấy tờ có giá là xác nhận nghĩa vụ trả nợ của bên phát hành và bên sở hữu, trong khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp cho người dân để công nhận quyền sở hữu hợp pháp và không ghi nhận bất kỳ nghĩa vụ trả nợ nào giữa bên cấp và bên sở hữu như bản chất của Giấy tờ có giá.
Bên cạnh đó, trong khái niệm của quyền tài sản cũng có nêu rõ quyền tài sản bảo gồm: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ,....mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một chứng thư ghi nhận lại quyền tài sản (có thể nói là tài sản) của chủ thể sử dụng, cụ thể tài sản ở đây là: quyền sử dụng đất nên Giấy chứng nhận này không phải tài sản dưới dạng quyền tài sản mà chỉ là đại diện cho quyền tài sản dưới dạng văn bản có chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.
Điều này hoàn toàn hợp lý bởi quyền tài sản là một khái niệm mang tính trừu tượng, không tồn tại ở thể vật chất nên cần một sự đảm bảo mang tính pháp lý đối với loại tài sản này, đó chính là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và bởi vì không phải là tài sản nên khi Giấy chứng nhận có bị hư hại hay bị mất thì không gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tài sản của chủ sở hữu (quyền sử dụng đất) và họ có thể liên hệ với cơ quan chức năng xin được cấp lại, cấp đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Tóm lại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được xem là tài sản theo pháp luật của Việt Nam nhưng trên thực tế lại thay mặt tài sản (quyền sử dụng đất) trong hầu hết các giao dịch và tham gia cả vào các vụ việc được Tòa thụ lý giải quyết nên rất dễ gây nhầm lẫn rằng đây là tài sản và có thể thực hiện được giao dịch. Việc hiểu rõ Giấy chứng nhận không phải là tài sản nhằm giúp người dân có thể tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân, ví dụ như nếu có rơi vào trường hợp bị đánh tráo, mất, hư hỏng, thông tin bị sai trên Giấy chứng nhận thì cũng không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của họ (quyền sử dụng đất), và việc ta cần làm là đến cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục theo luật định hoặc hướng dẫn để được cấp lại, cấp đổi, điều chỉnh thậm chí là kiện ra Tòa tùy vào trường hợp cụ thể.
Ánh Tuyết
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ