Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu gia công hàng thủ công

Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu gia công hàng thủ công


VANTHONGLAW - Xuất nhập khẩu gia công hàng thủ công chính là hình thức gia công xuất khẩu (trong tiếng Anh gọi là Export Processing). Cụ thể đây là hình thức doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài để gia công thành sản phẩm. Sản phẩm sau khi được hoàn thành sẽ không dùng để tiêu thụ trong nước mà sẽ được xuất khẩu ngược lại vào nước trước đó đã cung cấp nguyên vật liệu để gia công.

Bài liên quan:

Nói đơn giản, đây là một hình thức gia công hàng hóa tại nước thứ ba. Các tập đoàn, công ty lớn ở nước ngoài sẽ xuất khẩu nguyên vật liệu đến một nước khác để gia công sau đó nhập khẩu lại các thành phẩm.

Nguyên nhân của hình thức gia công trên xuất phát từ việc các tập đoàn lớn có nhu cầu tinh giảm nguồn kinh phí trong hoạt động sản xuất, do đó họ sẽ tìm kiếm những quốc gia có nguồn nhân lực với giá thành lao động thấp để đặt nhà máy sản xuất. Từ đó, có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn trong khâu sản xuất sản phẩm.

Hiện Việt Nam vẫn là nước đang phát triển và có nguồn lao động với giá thành thấp hơn so với các quốc gia phát triển. Do đó, Việt Nam đang là một quốc gia tiềm năng để các công ty nước ngoài lựa chọn hợp tác gia công hàng hóa.

I. Pháp luật về xuất nhập khẩu gia công hàng thủ công

Cơ sở pháp lý: Luật Thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019), Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

Thương nhân Việt Nam được nhận gia công hàng hóa hợp pháp cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

- Đối với hàng hóa thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài.

- Đối với các mặt hàng nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc gia công hàng hóa thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cấp Giấy phép. (Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép được quy định theo khoản 4 Điều 38 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP).

* Hợp đồng gia công

Pháp luật quy định gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài phải có hợp đồng gia công.

Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương và phải gồm các điều khoản sau:

- Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

- Tên, số lượng sản phẩm gia công.

- Giá gia công.

- Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

- Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

- Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

- Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

- Địa điểm và thời gian giao hàng.

- Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

* Thù lao gia công

- Bên nhận gia công có thể nhận thù lao gia công bằng tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công;

- Trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu bên nhận gia công nhận thù lao gia công bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công thì phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu đối với sản phẩm, máy móc, thiết bị đó.

* Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công

- Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá;

- Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác;

- Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công;

- Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế;

- Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hóa trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.

II. Thủ tục thành lập công ty xuất nhập khẩu gia công hàng thủ công

Đầu tiên, nhà đầu tư cần phải xác định loại hình công ty muốn thành lập. Theo đó có 05 loại hình công ty như sau:

1. Công ty cổ phần;

2. Công ty tư nhân;

3. Công ty hợp danh;

4. Công ty TNHH MTV;

5. Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Mỗi loại hình công ty sẽ có ưu và nhược điểm cũng như cơ cấu tổ chức khác nhau, vì vậy nhà đầu tư cần xác định loại hình công ty phù hợp nhất với điều kiện và tình hình hoạt động của mình.

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

(1)  Thành lập công ty cổ phần:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-4 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

2. Điều lệ công ty;

3. Danh sách cổ đông sáng lập (theo Phụ lục I-7 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT) và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (theo Phụ lục I-8 đính kèm theo Thông tư số01/2021/TT-BKHĐT);

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(2)  Thành lập doanh nghiệp tư nhân

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-1 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

(3)  Thành lập công ty TNHH MTV

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-2 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

2. Điều lệ công ty;

3. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(4)  Thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-3 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (theo Phụ lục I-6 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

(5)  Công ty Hợp danh

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-5 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

2. Điều lệ công ty;

3. Danh sách thành viên (theo Phụ lục I-9 đính kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

b) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo phương thức sau đây:

1. Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt trụ sở doanh nghiệp;

2. Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

3. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).

* Đối với ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp:

a) Trường hợp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

b) Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.

c) Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhân viên bưu chính phải nộp bản sao phiếu gửi hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phát hành có chữ ký xác nhận của nhân viên bưu chính và người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

d) Trường hợp ủy quyền cho đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính không phải là bưu chính công ích thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Bước 4: Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc.

Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc.

* Ngoài ra, nhận biên lai phí, lệ phí (đối với hồ sơ thanh toán phí qua mạng điện tử)

- Đối với hồ sơ có thanh toán phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, sau khi hồ sơ được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ nhận được email phát hành biên lai điện tử (được gửi về địa chỉ email đã nhập ở bước thanh toán điện tử).

- Trường hợp hồ sơ đăng ký qua mạng không được chấp thuận, người sử dụng sẽ được hoàn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp đã nộp theo quy định.

* Lệ phí đăng ký doanh nghiệp hiện nay là 50.000 đồng/lần

III. Thủ tục xin cấp giấy phép đối với công ty gia công hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gia công hàng hóa

- 01 Bản chính văn bản đề nghị cấp Giấy phép gia công hàng hóa, trong đó, nêu cụ thể các nội dung gồm:

1. Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

2. Tên, số lượng sản phẩm gia công.

3. Giá gia công.

4. Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

5. Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

6. Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

7. Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

8. Địa điểm và thời gian giao hàng.

9. Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

10. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

- 01 bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của công ty.

- 01 bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh có đóng dấu của công ty (nếu có).

Bước 2: Gửi bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.

Bước 3: Bộ Công Thương xem xét hồ sơ

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương có văn bản trao đổi ý kiến với bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.

Bước 4: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công Thương, bộ, cơ quan ngang bộ liên quan có văn bản trả lời Bộ Công Thương.

Bước 5: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan, Bộ Công Thương cấp Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

* Trường hợp thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng nhận gia công cho thương nhân nước ngoài, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép cho thương nhân trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, không thực hiện việc trao đổi ý kiến với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.

* Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép, cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, công ty gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấy phép cho thương nhân.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.