Thủ tục yêu cầu thi hành án trong trường hợp bản án tuyên được quyền phát mãi tài sản thế chấp của bên thứ ba
Thủ tục yêu cầu thi hành án trong trường hợp bản án tuyên được quyền phát mãi tài sản thế chấp của bên thứ ba
VANTHONGLAW - Hiện nay, trong thực tế có rất nhiều trường hợp Ngân hàng cho một bên vay tiền và nhận tài sản thế chấp của bên thứ ba để bảo đảm cho khoản vay của Bên vay. Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của bên vay thì đồng thời bên bảo đảm cũng phát sinh nghĩa vụ dùng tài sản bảo đảm để trả nợ cho khoản vay. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về thủ tục thi hành án về việc yêu cầu phát mại tài sản bảo đảm của bên thứ ba trong tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Việc nhận tài sản thế chấp của bên thứ ba (không phải là bên đi vay) để đảm bảo cho khoản vay đã được pháp luật thừa nhận và cho phép theo khoản 1 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP như sau:
“1. Bên bảo đảm bao gồm bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên bảo lãnh, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong trường hợp tín chấp, bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.
3. Người có nghĩa vụ được bảo đảm là người mà nghĩa vụ của họ được bảo đảm thực hiện thông qua biện pháp bảo đảm. Người có nghĩa vụ được bảo đảm có thể đồng thời hoặc không đồng thời là bên bảo đảm.”
Như vậy, khi xảy ra tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ giữa bên vay và bên cho vay thì bên thứ ba dùng tài sản bảo đảm sẽ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án và thông thường, Bản án sẽ tuyên theo hướng: Bên vay phải có nghĩa vụ trả cho bên cho vay số tiền x, trường hợp bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình thì bên cho vay có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản bảo đảm.
Theo đó, căn cứ theo nội dung bản án, để yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba thì người được thi hành án là bên cho vay phải yêu cầu thi hành án đối với bên vay trước. Căn cứ theo khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thì đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung gồm:
“a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.”
Do đó, người được thi hành án phải cung cấp được cho cơ quan thi hành án thông tin về tài sản và điều kiện thi hành án của bên vay. Trường hợp không cung cấp được thì người được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh về điều kiện thi hành án của bên vay.
Sau khi có kết quả xác minh về điều kiện thi hành án mà bên vay chưa có điều kiện thi hành án thì sau đó người được thi hành án mới có căn cứ để yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Ngoài ra, thường thì trong bản án sẽ không ấn định thời hạn mà bên vay phải trả nợ, do đó, thời điểm được yêu cầu phát mại tài sản sẽ phụ thuộc vào thời điểm mà người được thi hành án yêu cầu thi hành án.
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ