Thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
VANTHONGLAW.COM - Theo quy định của pháp luật về đất đai, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ) thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân. Điều này để nói lên tầm quan trọng của việc ban hành một trong những loại văn bản khẳng định quyền của người dân đối với đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, GCNQSDĐ là một "chứng thư pháp lý" được cấp cho người dân, tổ chức, cá nhân được Nhà nước công nhận và bảo đảm quyền sử dụng đất của mình. Nhưng nếu có tranh chấp, sai sót dẫn đến hủy GCNQSDĐ này, thì cấp Tòa án nào - huyện hay tỉnh, có quyền hủy GCNQSDĐ khi cần thiết.
Bài liên quan
Để trả lời câu hỏi này, người dân và những người vận dụng pháp luật cần áp dụng song song các quy định của pháp luật về Tố tụng hành chính và dân sự để xác định Tòa án có thẩm quyền hủy GCNQSDĐ khi xét thấy cần thiết. Bên cạnh đó, do đặc thù của nền hành pháp và tư pháp Việt Nam khi tồn tại những văn bản giải đáp, hướng dẫn giải quyết trong một số trường hợp có vướng mắt khi áp dụng luật vào hoạt động hành chính hoặc xét xử, chúng ta còn cần lưu ý đến những loại văn bản như Công văn giải đáp, Văn bản hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là Tòa án Nhân dân tối cao.
Vì GCNQSDĐ quyền sử dụng đất được ban hành theo thủ tục hành chính, là một chứng thư pháp lý và là một loại quyết định hành chính đặc biệt, nên GCNQSDĐ trực tiếp điều chỉnh quyền lợi, hành vi của người, tổ chức được cấp GCNQSDĐ. Do đó, GCNQSDĐ là đối tượng thuộc phạm vi xử lý chính thức của hệ thống Luật tố tụng hành chính và phải áp dụng luật tố tụng hành chính để giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã được ban hành. Theo Khoản 1 Điều 31, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan Nhà nước cấp huyện, trừ QĐHC, HVHC của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện.
GCNQSDĐ do UBND cấp huyện ban hành, căn cứ vào điều luật trên, TAND cấp huyện không có quyền xét xử yêu cầu của đương sự có liên quan đến GCNQSDĐ. Thông thường, yêu cầu của đương sự sẽ xoay quanh việc (1) chỉnh sửa nội dung và (2) hủy (gồm cả toàn bộ hay một phần) GCNQSDĐ của đương sự khác đã được cấp. Và cho dù yêu cầu của đương sự có thuộc trường hợp (1) hay (2) nêu trên, TAND cấp huyện vẫn không có thẩm quyền xem xét yêu cầu này của đương sự. Luật đã quy định rất rõ ràng, cụ thể nên nếu TAND cấp huyện cố tình giải quyết sẽ là việc làm vi phạm tố tụng nghiêm trọng về thẩm quyền.
Có ý kiến cho rằng, nếu căn cứ vào quy định trên sẽ dẫn đến TAND cấp Tỉnh sẽ bị quá tải khi phải giải quyết tranh chấp đất đai có liên quan đến hủy GCNQSDĐ, nên cần cho phép TAND cấp huyện được xem xét giải quyết vấn đề này. Đây là một ý kiến không phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật và không có cơ sở để xem xét áp dụng vào thực tiễn. Vì trên hết, thủ tục hành chính là cách thức thể hiện quyền lực Nhà nước và xem xét cấp GCNQSDĐ là một quyết định hành chính có tính chất cực kỳ hệ trọng, liên quan đến một loại hình tài sản quan trọng của xã hội là đất đai. Do đó, để xem xét và quyết định cuối cùng về loại tài sản này, cần có một cơ quan Tư pháp cấp cao hơn trực tiếp giải quyết, nhằm tránh tình trạng cục bộ, kiêng nể địa phương. Đây cũng chính là tinh thần thay đổi, đổi mới và gỡ vướng mắt mà Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã mang lại.
Hơn nữa, trong văn bản Báo cáo số 15/BC-TANDTC ngày 15/3/2019, TAND Tối cao đã tái khẳng định thẩm quyền xét xử xem xét hủy GCNQSDĐ phải là của TAND cấp Tỉnh và tình trạng một số TAND cấp Huyện xem xét xét xử việc hủy GCNQSDĐ là không đúng thẩm quyền, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và không được để tái diễn trong thời gian sắp tới.
LUẬT VẠN THÔNG