Cơ sở pháp lý ban bố tình trạng quốc gia về dịch bệnh Covid-19
VANTHONGLAW.COM - Trong những ngày qua, kiểm soát việc lây lan dịch bệnh Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã rõ ràng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân cũng như hoạt động kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng về diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân cần hiểu hoặc biết về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh để có cách ứng phó, kết hợp cùng cơ quan chức năng để đẩy lui dịch bệnh nhanh nhất có thể. Dựa vào hệ thống các văn bản pháp luật hiện tại, chúng ta có cơ sở pháp lý để theo dõi dịch bệnh Covid-19 và tùy từng thời điểm thích hợp sẽ có cách thức, tình trạng công bố phù hợp về dịch bệnh.
Bài liên quan
Sáng 31-1, Tổ chức Y tế thế giới
(WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của
virus corona, trong bối cảnh đã có hơn 9.600 ca nhiễm bệnh, 213 ca trong đó đã
tử vong. Đây là lần thứ 6 WHO ban bố PHEIC. Trước tình hình đó, chiều 31/1, Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 297/BTP-PLHSHC báo
cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng
khẩn cấp về dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra
khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Theo quy định của pháp luật hiện
hành, tình trạng khẩn cấp được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức
Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Pháp lệnh về tình trạng
khẩn cấp năm 2000... Đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc,
thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống
dịch bệnh truyền nhiễm mà trực tiếp là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm
2007, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2018. Cụ thể, tại Điều 42 Luật Phòng,
chống bệnh truyền nhiễm, trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa
nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước
thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết
ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban
bố tình trạng khẩn cấp.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng,
chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus
Corona gây ra được xác định thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc
biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong
cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh). Theo đó, nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn
và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Phòng,
chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Trong trường hợp đòi hỏi phải ban bố
tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 Luật
Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì Bộ Y tế có trách nhiệm trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc
hội xem xét quyết định. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá
trình thẩm định và hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết này.
Thực tế từ trước đến nay, WHO đã
công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu với 4 loại dịch bệnh, nhưng Việt Nam
chưa lần nào công bố. Kể cả năm 2009 số lượng người mắc virus H5N1 ở Việt Nam
lên tới gần 10.000 người, 22 ca tử vong, thời điểm đó Việt Nam cũng không công bố
tình trạng khẩn cấp. Chính phủ đã và đang triển khai các
giải pháp phòng, chống còn mạnh mẽ, quyết liệt hơn cả khuyến cáo của WHO. Do vậy, người dân cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và tuân theo các chỉ dẫn y tế để tự bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, nhằm tránh những trường hợp không mong muốn có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế, đời sống thời kỳ "hậu Covid-19".
LUẬT VẠN THÔNG t.h.