Công văn Số: 141/TANDTC-KHXX V/v thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/TANDTC-KHXX |
Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2011 |
Kính gửi: |
- Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Trong thời gian vừa qua một số Tòa án nhân dân
địa phương đề nghị hướng dẫn “Giấy tờ có giá” và các yêu cầu trả lại giấy chứng
nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ (Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy;
Giấy đăng ký xe ô tô…) có phải là các yêu cầu trả lại “Giấy tờ có giá” hay
không. Nếu có khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án có thụ lý giải
quyết không. Về vấn đề này, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
1. Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy
định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Theo
quy định tại điểm 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ
trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá
trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ
vào các quy định của pháp luật hiện hành, thì giấy tờ có giá bao gồm:
a) Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công
cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển
nhượng năm 2005;
b) Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu
được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh
ngoại hối năm 2005;
c) Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm
phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3
của Luật quản lý nợ công năm 2009;
d) Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương
lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các
loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ
sung một số điều năm 2010);
đ) Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều
2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát
hành trái phiếu doanh nghiệp”…
2. Theo các quy định trên đây thì các giấy chứng nhận quyền sở hữu
tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở,
Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có
giá” quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự năm 2005;
do đó, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy
tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết.
3. Trường hợp người khởi kiện chỉ đòi lại giấy
chứng nhận quyền sở hữu tài sản do người khác đang chiếm giữ (Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô,
xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) thì Tòa án giải quyết như sau:
a) Trường hợp chưa thụ lý vụ án thì Tòa án áp dụng điểm e khoản 1 Điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự trả lại
đơn kiện cho người khởi kiện. Trong văn bản trả lại đơn khởi kiện, Tòa án phải
ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện là yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền
giải quyết của Tòa án.
b) Trường hợp đã thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ vào khoản 2 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định
đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý; trả lại đơn
khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự; căn cứ khoản 3 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự ra quyết định trả
lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự.
c) Khi trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
nêu trên, Tòa án phải hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu cơ quan chức
năng giải quyết theo thẩm quyền buộc người chiếm giữ bất hợp pháp giấy tờ nêu
trên phải trả lại cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp đối với loại giấy tờ
đó. Trong trường hợp giấy tờ bị mất thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp
đối với loại giấy tờ nêu trên có quyền đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền
cấp lại giấy tờ bị mất theo quy định của pháp luật (ví dụ: yêu cầu cấp lại Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bị mất theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của
Chính phủ “về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài
sản khác gắn liền với đất”). Bên có lỗi trong việc làm mất giấy tờ phải chịu
toàn bộ chi phí, lệ phí trong việc cấp lại giấy tờ mới.
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Đồng chí
Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Tòa
án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi nhận được Công văn
này cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. CHÁNH ÁN |