Lập di chúc như thế nào để đúng luật năm 2021

công ty luật, luật sư uy tín, lập di chúc đúng luật, thừa kế tài sản, di chúc vợ chồng, năm 2021

VANTHONGLAWDi chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, không phải tất cả di chúc được lập dưới bất kì hình thức nào cũng sẽ được pháp luật công nhận. Vậy, lập di chúc như thế nào để đúng luật? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Bài liên quan
- Thủ tục góp vốn là quyền sử dụng đất và là tài sản chung của vợ chồng
- Căn cứ pháp lý để đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất/sổ đỏ bị người khác chiếm giữ
- Mua bán nhà, đất bằng Vi bằng là gì? Nhà nước có cấm hay không?

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLDS 2015);

Về hình thức của di chúc, Điều 627 BLDS 2015 quy định “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

Ngoài ra, khoản 3, khoản 4 Điều 630 BLDS 2015 quy định:

- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực;

Đối với cả hai hình thức lập di chúc, di chúc hợp pháp phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 gồm:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Và người làm chứng cho việc lập di chúc không được thuộc một trong những người sau:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

1. Di chúc miệng

Việc lập di chúc miệng được quy định tại Điều 629 BLDS 2015 khoản 5 Điều 630 BLDS 2015. Cụ thể, di chúc miệng có thể được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ và không thể lập di chúc bằng văn bản. Di chúc miệng sẽ chỉ được xem là hợp pháp nếu người lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người có di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

2. Di chúc bằng văn bản

Theo Điều 628 BLDS 2015, di chúc văn bản bao gồm 4 loại:

- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

- Di chúc bằng văn bản có công chứng;

- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Điều 631 BLDS 2015 quy định về nội dung của di chúc như sau:

“1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.”

Đối với di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì Điều 633 BLDS 2015 quy định người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc và phải tuân theo Điều 631 nói trên.

Đối với di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào di chúc nếu người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, theo quy định tại Điều 634 BLDS 2015.

Căn cứ nội dung của các điều khoản trên, có thể thấy việc công chứng di chúc là không bắt buộc. Tuy nhiên để di chúc có tính pháp lý cao nhất, di chúc nên được lập thành văn bản có nội dung đầy đủ, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và được công chứng, chứng thực.

Ngoài ra, có một số trường hợp di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực, được quy định tại Điều 638 BLDS 2015 gồm:

“1. Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.

2. Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.

3. Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.

4. Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.

5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó.

6. Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.”


Khách hàng có nhu cầu "Lập di chúc, gửi giữ di chúc để phân chia thừa kế", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com

BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ

Anh Thư
Luật Vạn Thông
Powered by Blogger.