Những "hung thần karaoke tự phát" - Pháp luật xử lý như thế nào?

Những "hung thần karaoke tự phát" - Pháp luật xử lý như thế nào?
Công ty luật, luật sư uy tín, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay

VANTHONGLAW - Hát karaoke vốn là một biện pháp giải tỏa áp lực tinh thần, kết nối mọi người đến gần nhau hơn. Thế nhưng tình trạng hát karaoke với công suất lớn đang dần trở thành một vấn nạn trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người vui chơi quá mức, vặn loa hết công suất, hát hò thâu đêm suốt sáng gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của những người xung quanh.  

Bài liên quan

Tôi nghe….. bạn cũng phải nghe!!! 

Không đơn thuần chỉ là muốn hát cho bản thân và “bạn nhậu” cùng nghe mà nhiều trái tim yêu nhạc còn muốn được thể hiện tài năng của mình với thật nhiều người xung quanh. Mở cửa thật rộng, mở loa thật to và hát thật lớn dường như trở thành niềm vui của rất nhiều người. Thậm chí có nhiều gia đình còn khiêng cả loa ra tận ngoài cửa, ngoài sân, ngoài đường để “hát cho sướng” mà không hề hay biết rằng những phút giây thăng hoa của họ dường như cũng là phút giây ngột ngạt của những người xung quanh. Cả 3-4 nhà xung quanh thay nhau hát karaoke bất kể lý do, bất kể giờ giấc. Đủ các thể loại nhạc từ nhạc pop ballad đến bolero, nhạc cách mạng, rap,… cứ thế hòa chung như một nồi lẩu thập cẩm không vị nào ra vị nào. Hậu quả là trẻ con không tập trung học hành, người già không được nghỉ ngơi, người đi làm cả ngày mệt mỏi cũng bị “tra tấn màng nhĩ”. 

Mức xử phạt còn quá nhẹ, chưa có tính chất răn đe. 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi hát karaoke với công suất lớn có thể bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên mức xử phạt còn quá thấp và thời gian xử lý vi phạm còn bị giới hạn, cụ thể như sau: 

Tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: 

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: 
a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
(...)
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. 
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.” 

Việc xác định giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn được quy định tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cụ thể như sau: 

Trong đó: 

- Khu vực đặc biệt là: những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác. 

- Khu vực thông thường bao gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính. 

Dù pháp luật đã có những quy định và chế tài xử lý tiếng ồn nhưng để vận dụng thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Phải chăng do biện pháp xử phạt hành chính chưa đủ mạnh hay khó khăn bởi chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm cách thực hiện. 

Thực tế cho thấy dù ở vùng nông thôn hay kể cả các khu đô thị lớn thì tình trạng hát karaoke với công suất lớn vẫn đang diễn ra thường nhật. Nhiều người dân phần vì cả nể, sợ mất tình làng nghĩa xóm nên đành cam chịu, ráng gồng mình chịu “tra tấn lỗ tai” mỗi ngày. Hoặc có nhiều trường hợp dù đã báo cáo lên chính quyền yêu cầu giải quyết nhưng quy trình xử lý còn khá phức tạp. Cụ thể, sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh, họ cần thời gian xem xét, xác thực rồi mới lập đoàn thanh tra xuống tận nơi để xử lý. Để đo được tiếng ồn, phải có máy đo. Thậm chí có trường hợp khi vừa xuống đến nơi thì tiếng ồn cũng đã chấm dứt, không thể xử lý.  Hơn nữa biện pháp xử lý còn quá nhẹ chỉ “từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng” – một mức xử phát quá thấp nên cũng không đủ tính chất răn đe đến những đối tượng vi phạm. Bẵng đi một thời gian, tình trạng trên lại tái diễn. 

Chỉ cần quyết tâm... sẽ trị được.  

Hiện tại đã có rất nhiều vụ việc chỉ vì nhà hàng xóm hát karaoke quá ồn mà đã xảy ra xô xát, chém giết lẫn nhau. Để tránh xảy ra những hệ lụy nghiêm trọng không đáng có, chính quyền địa phương cần quyết tâm giải quyết triệt để vấn nạn nêu trên. 

Trước hết mỗi phường, mỗi huyện cần công khai đường dây nóng đến người dân để họ có thể phản ánh kịp thời đến chính quyền địa phương. Ngay khi có người khai báo cần phân công người lập tức xuống kiểm tra xử lý vi phạm. Mỗi địa phương cũng cần trang bị thêm các thiết bị đo tiếng ồn, nếu không có điều kiện có thể linh động thay thế bằng phần mềm điện thoại di động (app) (tuy nhiên đây chưa phải giải pháp theo luật) để phục vụ cho việc xử lý vi phạm. 

Hơn nữa vì mức xử phạt còn quá nhẹ và thời gian xử lý vi phạm còn bị giới hạn nên Bộ Công an cần trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP theo hướng tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng" và không giới hạn thời gian để xử lý vi phạm nhằm tăng tính răn đe và xử lý triệt để hành vi vi phạm. 

Đồng thời các cán bộ cũng cần thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn sâu rộng đến từng người dân và cộng đồng dân cư. Tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh. Tiếp tục quán triệt, giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở cơ sở là chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo về nội dung này. 

Và quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, vui chơi có chừng mực. Hát đúng nơi đúng thời điểm tránh gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. 

Bởi âm nhạc vốn để thưởng thức, không phải để “tra tấn”. Hãy là một người yêu nhạc văn minh các bạn nhé!

Quỳnh Như
Powered by Blogger.