KOLS PR Tiền ảo - Xử lý như thế nào?
VANTHONGLAW - Những ngày vừa qua, mạng xã hội Việt lại một phen "dậy sóng" khi tài khoản Facebook của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng đề cập đến tiền ảo với từ khoá #DOGE (viết tắt của Dogecoin). Mở màn cho hoạt động này chính là Ngọc Trinh khi vào tối 11/5, cô đăng tải status đòi nợ 2 triệu USD từ công ty giao dịch (sàn) tiền số của mình. Sau đó, "nữ hoàng nội y" còn công khai danh sách coin lên trang cá nhân của mình. Sau Ngọc Trinh, hàng loạt sao Việt như Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Lê Dương Bảo Lâm, Khả Như, Gin Tuấn Kiệt, Thiên Hương,… cũng có những bài PR tương tự trên trang cá nhân của mình.
Bài liên quan
>>> Pháp luật Việt Nam có công nhận tiền ảo không? Và những khía cạnh của tiền ảo
>>> Các quy định về thừa kế trong Bộ Luật dân sự năm 2015
>>> 09 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm và miễn phí vắc xin phòng COVID-19
>>> Mua bán nhà đất bằng vi bằng là gì? Nhà nước có cấm không?
>>> Thủ tục Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.
Trong bài viết, ngoài liệt kê những đồng tiền ảo đã có uy tín và giá trị, nhiều "đồng coin rác" cũng được cài cắm khéo léo, người đọc, người xem sẽ khó phân biệt nếu không có hiểu biết, kiến thức về những loại tiền ảo này. Các bài đăng gần giống hệt nhau từ các từ khoá cho đến hình ảnh.
Tuy nhiên chỉ một đêm sau đó, khi người hâm mộ tìm đọc lại các post "PR lộ liễu" kể trên thì tất cả đều đã bị gỡ. Tuy nhiên, sự bức xúc của dư luận xoay quanh vụ việc này vẫn đang là tâm điểm tranh cãi trên các diễn đàn. Không ai biết chắc trước khi họ gỡ đi, đã bao nhiêu "cá bé" nghe theo và đổ tiền vào cuộc chơi này.
PHÁP LUẬT VIỆT NAM KHÔNG CÔNG NHẬN TIỀN ẢO
Tại Công văn số 5747/NHNN-PC-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: “tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm… Ngoài ra, về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
HÌNH THỨC XỬ PHẠT:
- Xử phạt hành chính:
Theo điểm d khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt từ 50 - 100 triệu đồng.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên có thể bị truy cứu về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo điểm h khoản 1 điều 206 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)" với mức xử phạt từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
Các quy định này không chỉ xử lý riêng với các đối tượng đứng ra tổ chức. Việc những người nổi tiếng lợi dụng sức ảnh hưởng để dụ dỗ, lôi kéo, quảng bá người hâm mộ đầu tư kinh doanh tiền ảo cũng có thể bị xem xét là đồng phạm với đối tượng cầm đầu và bị xem xét xử lý theo các quy định nêu trên.
Quỳnh Như