Giết con chim nhại - Harper Lee - Sách luật sư nên đọc.
VANTHONGLAW - Để trở thành luật sư - như nhiều ngành nghề khác, người ta cần sự nỗ lực, vượt qua những trở ngại, những kỳ thi và biết rõ về ngành nghề của mình. "Giết con chim nhại" không phải quyển sách trình bày về luật, không phải giới thiệu về nghề luật sư nhưng đây là một quyển tiểu thuyết hiện thực dành cho người muốn trở thành luật sư. Vì đơn giản, xuyên suốt "Giết con chim nhại", người đọc sẽ đi từ thực tiễn đơn giản của xã hội - qua cách nhìn đơn sơ của những đứa trẻ 3 - 4 tuổi, đến kết thúc của sự lựa chọn, quyết định của những người trưởng thành. Nhưng như một đặc tính cơ bản của nghề luật - biện hộ, đỉnh điểm của quyển sách có lẽ nằm ở phần biện hộ của một luật sư Da trắng dành cho một thân chủ Da đen!
Bài liên quan
"Giết con chim nhại" là tác phẩm đầu tiên và duy nhất của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee. Bà bắt đầu viết tác phẩm và xuất bản lần đầu tiên năm 1960. Nhiều người đánh giá tiểu thuyết này như một quyển hồi ký của riêng cá nhân bà, vì nhiều tình tiết, nhân vật trong quyển sách khá giống và trùng hợp với đời sống gia đình của nữ nhà văn. Nhưng bất chấp việc tác phẩm này có phải hồi ký hay không, tính đến tháng 5/2020, "Giết con chim nhại" vẫn là tác phẩm đứng đầu trong TOP 100 cuốn tiểu thuyết được yêu thích nhất của "The Great American Read". Nội dung tác phẩm đã phản ánh một trong những vấn đề nhức nhối nhất của xã hội Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung: phân biệt chủng tộc. Dẫu rằng cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (American Civil War, 1861–1865), hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Giữa các Tiểu bang (War Between the States) đã khẳng định sự chiến thắng của tư tưởng giải phóng nô lệ, nhưng thực tế xã hội vẫn là một trở ngại rất lớn. Và "Giết con chim nhại" đã thành công khi đơn giản hóa thách thức lớn nhất của nền văn minh nhân loại hiện đại: phân biệt chủng tộc.
Với nội dung đả phá tư tưởng phân biệt chủng tộc đối với người Da đen và hình ảnh con chim nhại, dẫn người đọc đến câu hỏi liệu hai hình ảnh này có liên quan đến nhau hay không?
Thật sự là có nhưng không phải tất cả. Tom Robinson - nhân vật Da màu đầy dễ thương và đáng mến trong tác phẩm chỉ là một chú chim nhại như rất nhiều đang sống trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ và cả hôm nay. Hình tượng chim nhại được khắc họa đơn giản và khẳng định trong tác phẩm bằng câu nói của một người nữ Da trắng - Maudie, nhân hậu, tốt bụng, cấp tiến và âm thầm cỗ vũ cho sự thay đổi vấn nạn phân biệt chủng tộc. Cô nói rằng chim nhại chỉ biết mang lại niềm vui qua tiếng hót, và "chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe". Không đơn thuần là vấn nạn chủng tộc, hình ảnh chim nhại còn phác họa đến một hình ảnh phổ quát hơn: hình ảnh của những con người lương thiện nhưng lại bị phân biệt bởi chính những người xung quanh mình - như hình ảnh của Boo Radley (một người Da trắng đáng thương, can đảm và nhân hậu).
Review sách "Giết con chim nhại" Harper Lee - Ảnh: Internet |
Nhưng quyển sách này liên quan gì đến luật sư?
Nhân vật chính và người dẫn truyện là một cô bé 5 tuổi, gọi tên thân mật là Scout, cùng anh trai mình là Jem - hai cô cậu này là con của một luật sư, ông Atticus Finch. Để hành nghề luật sư, một trong những yếu tố đòi hỏi người hành nghề này - cũng như những người làm việc trong lĩnh vực tư pháp, đó là sự bình tĩnh và can trường. Khi những định kiến hẹp hòi, khô cứng về sự phân biệt chủng tộc đã đưa đẩy những người dân như ông Cunningham nhóm lại cùng vài người khác, trong đêm đen đến nhà tù để bắt lấy Tom Robinson và muốn xét xử theo ý mình, ông Atticus đã ngồi sẵn ở cửa nhà tù để điều đó không xảy ra. Ông không đi một mình, nhưng có người bạn đồng hành ủng hộ đang cầm khẩu súng trường và ngắm bảo vệ ông từ trên cao của một tòa nhà gần đó. Sự can trường nhưng cần có sự liên kết để bảo vệ.
Nhưng sự can trường của Atticus có ảnh hưởng thế nào đến nhân vật Cunningham ở trên? Chính Atticus là người khẳng định với những đứa con của mình, Cunningham không nói nhưng ông là người đã ủng hộ việc làm bảo vệ Tom Robinson của Atticus. Dẫu rằng, cuối cùng phiên tòa do thẩm phán tốt bụng Taylor điều hành đã không thể ngăn bồi thẩm đoàn đưa ra một phán quyết công bằng vượt lên trên định kiến xã hội đương thời, nhưng "một phiên họp dài" của Bồi thẩm đoàn đã cho thấy những "mầm xanh, chồi non" của sự thay đổi tư tưởng đã nảy nở trong họ và chúng vẫn cần có một thời gian, một cơ hội, một nỗ lực để lớn lên và thay đổi những định kiến phân biệt chủng tộc không còn phù hợp trong xã hội dân chủ và văn minh.
Đỉnh điểm của quyển tiểu thuyết có lẽ nằm ở kết quả của phiên tòa. Luật sư Atticus là người cuối cùng rời khỏi phòng xử nhưng là giữa những người Da trắng, vì ở trên lầu - nơi dành riêng cho những người Da đen, họ ở lại cùng những đứa con của ông và trong im lặng - sự im lặng của kính trọng và cảm ơn chân thành của những người luôn tin rằng vẫn có công lý, công bằng dành cho mình, vấn đề là khi nào và ai sẽ mang chúng đến. Phần cuối quyển sách, hai đứa con của Atticus gặp nạn. Đó như là một khó khăn người ta cần vượt qua trong hành trình khẳng định chân lý mà mình tin tưởng, mà cộng đồng đã bắt đầu thừa nhận. Trong hành trình bảo vệ chân lý của mình, Atticus không đơn độc - và thực tế những luật sư cũng không đơn độc.
Viên cảnh sát trưởng và quan tòa là hiện thân chân thực của những giá trị công lý luôn tồn tại và chiến thắng trong bất kỳ thời đại nào và đó luôn là giá trị phổ quát mà dù chậm, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Ban đầu ông Atticus ngờ rằng chính Jem đã đâm chết Bob, nhưng ông cảnh sát trưởng thì nhất định cho là Bob bị vấp vào gốc cây và ngã vào con dao của chính hắn mà chết. Mọi người đều đoán là chính Boo đã can thiệp vào cuộc xô xát và giết Ewell để bảo vệ lũ trẻ. Khác với điều ông Atticus nghĩ, viên cảnh sát trưởng muốn bảo vệ Boo và không muốn dân chúng phá vỡ cuộc sống ẩn dật của anh. Khi ông Atticus hỏi Scout xem cô bé nghĩ thế nào về cách giải quyết vụ việc này, cô bé trả lời, nếu không làm như vậy thì chẳng khác gì "Giết con chim nhại" (vì Boo chẳng làm hại gì lũ trẻ, mà chỉ bảo vệ chúng thôi).
Hôm nay, hơn 60 năm sau khi quyển sách "Giết con chim nhại" được xuất bản, chúng ta đã nhìn thấy được rất nhiều về sự thay đổi đó...
Còn Bob Ewell và Boo Radley là ai? Mời độc giả xem quyển sách "Giết con chim nhại"!
Luật Vạn Thông