Bảo hiểm thai sản - đóng trước hay sau khi có thai?

Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19

VANTHONGLAW - Bảo hiểm thai sản là một vấn đề pháp lý cơ bản được tất cả các lao động nữ quan tâm. Bảo hiểm thai sản là một hình thức mà Nhà nước hỗ trợ, chia sẽ phần nào gánh nặng đối với các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con, đặc biệt đối với những lao động nữ khi thực hiện thiên chức làm mẹ. Pháp luật đảm bảo cho người lao động mang thai, người lao động nhận con nuôi,....có thể hưởng toàn bộ các quyền lợi xứng đáng như việc được nghỉ làm để dưỡng thai và nhận được tiền từ bảo hiểm thai sản. 

Bài liên quan

AI ĐƯỢC HƯỞNG BẢO HIỂM THAI SẢN? 

Tại Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014  quy định: Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
- Lao động nữ mang thai; 
- Lao động nữ sinh con; 
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; 
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; 
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; 
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.” 

*Lưu ý: 

Để được hưởng Bảo hiểm thai sản, người lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2,3,4 Điều này. 
- Lao động nữ sinh con, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi hay người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi. 
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh. Ngoài ra, người lao động đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ này.  

III. THỜI GIAN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ THAI SẢN. 

1. Khi khám thai.
 
- Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. 
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trên được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. 

2. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý. 

- Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: 
+ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 
+ 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 
+ 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 
+  50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. 

- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trên được tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. 

3. Khi sinh con. 

* Lao động nữ: 

- Lao động nữ được nghỉ sinh con 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. 
- Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con 
- Nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết và thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng. 
- Trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.  

*Lao động nam: 

Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trong 30 ngày đầu kể từ ngày người vợ sinh con, người chồng được nghỉ từ 05 đến 14 ngày làm việc: 
- 05 ngày nếu sinh thường; 
- 07 ngày nếu sinh mổ, sinh dưới 32 tuần tuổi; - 10 ngày nếu sinh đôi; sinh ba trở lên thì cứ mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày; 
- 14 ngày nếu sinh đôi trở lên mà phải mổ. 

4. Khi thực hiện các biện pháp tránh thai. 

- Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: 
+ 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai; 
+ 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản. 
- Thời gian hưởng chế độ thai sản trên được tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. 

IV. CÁCH TÍNH TIỀN BẢO HIỂM THAI SẢN 

1. Tiền trợ cấp một lần khi sinh con 

*Lao động Nữ 

Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng tiền thai sản, bao gồm: 

Trợ cấp một lần = Mức lương cơ sở x 2 

Ví dụ: Năm 2021, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần khi sinh còn là: 1,49 triệu đồng x 2 = 2,96 triệu đồng.  

*Lao động Nam  

Lao động nam được hưởng trợ cập một lần nếu đáp ứng điều kiện đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi người vợ sinh. Tuy nhiên, chỉ áp dụng cho trường hợp chỉ có người chồng tham gia BHXH. 

2. Tiền chế độ thai sản 

*Lao động Nữ 

Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: 

Mức hưởng hàng tháng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06   tháng trước khi nghỉ việc  

Trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.  

*Lao động Nam 

Theo điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tiền thai sản của chồng khi vợ sinh con được xác định bằng công thức: 

Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc : 24 x Số ngày nghỉ  

Thông qua các quy định trên, có thể thấy Pháp luật Việt Nam đã tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người lao động. Các cặp vợ chồng đã và đang có kế hoạch sinh con hãy lưu ý và tận dụng thật tốt các quy định, đảm bảo các điều kiện trên để được hưởng các quyền lợi cho gia đình và cho chính người phụ nữ để họ an tâm và thực hiện thật tốt thiên chức của mình.

Quang Long
Powered by Blogger.