Luận án tiến sĩ - Áp dụng tập quán giải quyết các tranh chấp thương mại ở Việt Nam.

Áp dụng tập quán giải quyết các tranh chấp thương mại ở Việt Nam.

VANTHONGLAW - Có lẽ tập quán với tính cách là một tập hợp các qui tắc điều chỉnh các hành vi của con người được hình thành ngay từ khi con người biết tổ chức thành cộng đồng. Lịch sử chứng minh, ở Châu Âu lục địa, cho đến khi xuất hiện jus commun, tập quán vẫn là các qui tắc phổ biến được sử dụng tại các cơ quan tài phán. Và cho đến nay tập quán vẫn được xem là một loại nguồn bổ sung quan trọng của pháp luật, tuy mức độ có khác nhau ở các truyền thống pháp luật khác nhau, cũng như trong các hệ thống pháp luật khác nhau. 

Bài liên quan
>>> Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục Đại học công lập ở nước ta hiện nay.
>>> Chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đất đai 2013
>>> Vi phạm cơ bản hợp đồng theo quy định của Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và định hướng hoàn thiện các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.
>>> Chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật thương mại Việt Nam.
>>> Trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng thương mại ở Việt Nam hiện nay

Tập quán còn được biết đến với vai trò nền tảng của luật thương mại, có nghĩa là hầu hết các qui tắc của luật thương mại xuất phát từ các qui tắc tập quán của các thương nhân từ thời Trung cổ. Người ta còn biết rằng tập quán quốc tế là một loại nguồn quan trọng của công pháp quốc tế hiện đại. Hay nói cách khác, các qui tắc tập quán quốc tế là cơ sở của công pháp quốc tế hiện đại. Dù ngày nay pháp luật thành văn được chú trọng, nhưng tập quán vẫn là một loại nguồn pháp luật bổ sung quan trọng ở hầu hết các nước, và góp phần to lớn vào việc xây dựng pháp luật nói chung bởi nó phần nào đó tạo lập nên nền tảng tâm lý của con người trong một cộng đồng nhất định. 

Ở Việt Nam, một đất nước có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trong đa dạng văn hóa, tập quán pháp hay luật tục của mỗi dân tộc có sự khác biệt và có vai trò khác nhau trong mỗi cộng đồng dân tộc. Nhưng nói chung tập quán pháp dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người và trở thành tiêu chuẩn cho hành vi ứng xử của mỗi thành viên trong các cộng đồng dân tộc đó. Nó là một phần quan trọng trong kiến thức bản địa mà cần được lưu truyền và sử dụng một cách có cân nhắc. Đôi khi có thể nhận định: loại kiến thức bản địa này ở các dân tộc Tây Nguyên có tác dụng lớn hơn trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên so với các qui định của luật thành văn. 

Thực tế Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam có xác định nguyên tắc áp dụng tập quán. Nguyên tắc này được xem là một nguyên tắc quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ thuộc lĩnh vực luật tư. Kế tiếp đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 giải thích rõ hơn về khái niệm tập quán thương mại và cụ thể hóa nguyên tắc này. Trong các định hướng cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW, nhấn mạnh tới định hướng cải cách phù hợp với các tập quán và thông lệ quốc tế. Thế nhưng thực tiễn áp dụng tập quán ở Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế bởi việc nhận thức về tập quán đã có phần mai một và ít được chú trọng. 

Các khiếm khuyết này có lẽ có lý do từ sự bộc lộ vật chất của tập quán không rõ ràng và kém đồng nhất so với các loại nguồn pháp luật khác như: văn bản qui phạm pháp luật, tiền lệ pháp, cũng như học thuyết pháp lý. Vì vậy việc chứng minh tập quán trước tòa án là một công việc đầy khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên việc xây dựng nền kinh tế thị trường đòi hỏi áp dụng tập quán bởi văn bản pháp luật không thể bao phủ toàn bộ các quan hệ đầy biến động trong đời sống xã hội. 

Mặt khác, hội nhập quốc tế khiến không thể từ chối áp dụng tập quán đối với những quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Vì vậy có sự xuất hiện nhu cầu khách quan và cấp thiết hiện nay là nghiên cứu thật kỹ lưỡng, sâu sắc, toàn diện và có hệ thống về tập quán và vấn đề áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp thương mại trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Bởi các lẽ đó tôi lựa chọn đề tài: "Áp dụng tập quán giải quyết các tranh chấp thương mại ở Việt Nam" làm đề tài cho Luận án tiến sĩ Luật học của mình. 

Nguyễn Mạnh Thắng

Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw

Luật Vạn Thông st

Powered by Blogger.