Công ty tài chính có được gọi điện khủng bố người thân khách hàng không?
VANTHONGLAW – Với ưu điểm là thủ tục nhanh gọn lẹ, vay tiêu dùng hiện nay đang là giải pháp khá phổ biến phù hợp cho những cá nhân có mục đích mua sắm gấp khi chưa đủ kinh tế. Tuy nhiên việc các nhân viên tài chính liên tục gọi điện nhắn tin nhắc nợ, khủng bố tinh thần đến người thân của người vay vốn đang là một vấn đề khiến nhiều người vô cùng khó chịu, bực bội. Vậy theo quy định của pháp luật, công ty tài chính có được phép gọi điện cho những người thân đòi nợ được không? Khi gặp phải tình trạng này phải xử lý như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Bài viết liên quan:
>>> Có được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không?
>>> Góp vốn bằng
quyền sử dụng đất có phải "sang tên" cho doanh nghiệp không?
>>> Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam hiện nay.
>>> Các vướng mắc trong thủ tục thành lập công ty mới
>>> Bán hàng online và những điểm cần lưu ý.
Cơ sở pháp lý:
- Thông tư số 43/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN.
1. Công ty tài chính có được gọi điện cho người thân khách hàng để nhắc nợ
không?
Điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư số
43/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2019/TT-NHNN quy định về
quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính phải có nội dung
sau:
“đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ
phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện
pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc
nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng
thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng
đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ
trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp
luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”
Theo quy định trên, việc các công ty
tài chính khủng bố tin nhắn, điện thoại với những người không có nghĩa vụ trả nợ
như người thân, bạn bè của người vay là trái pháp luật. Đồng thời, việc gọi điện
quá nhiều lần một ngày để đe dọa cũng như thúc ép những người quen biết với bên
vay phải trả nợ cũng là bất hợp pháp.
2. Biện pháp xử lý:
Việc các công ty tài chính khủng bố
tin nhắn, cuộc gọi đến người thân khách hàng là hành vi trái pháp luật, gây ảnh
hưởng vô cùng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người không liên quan đến
khoản vay. Hiện nay, pháp luật vẫn chưa đưa ra chế tài xử phạt đối với hành vi
này. Tuy nhiên, nếu gặp phải tình trạng trên, có thể xử lý như sau:
- Ghi âm cuộc gọi, chụp lại các tin
nhắn làm phiền;
- Soạn Đơn khiếu nại gửi tới công ty
tài chính đã quấy rối, gọi điện giục nợ để yêu cầu giải quyết.
- Gửi đơn tố cáo tới cơ quan Thanh
tra, giám sát ngân hàng hoặc các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để
kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của công ty tài chính hoặc gửi
đơn tố cáo lên cơ quan Công an nếu công ty tài chính tiếp có hành vi sử dụng điện
thoại, các phương tiện viễn thông để quấy rối, xúc phạm, đe dọa tinh thần,...
Hành động này nhằm mục đích cảnh
cáo, khiến các Công ty tài chính xem xét lại phương thức, đối tượng đòi nợ và
ngưng việc quấy rối, làm phiền đến người thân của khách hàng.
Trân trọng./.
Quỳnh Như