Doanh nghiệp Việt Nam có được đặt tên bằng tiếng nước ngoài không?


 

VANTHONGLAW - Tên doanh nghiệp là thứ gắn bó lâu dài suốt quá trình hình thành và phát triển của công ty. Việc đặt tên doanh nghiệp như thế nào để vừa hay vừa không trái luật là điều khiến nhiều người quan tâm. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có được phép đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Bài viết liên quan:
>>> Tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi và bí mật của công ty
>>> Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất
>>> Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnhCovid-19.
>>> Có được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không?
>>> Thế nào là tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được theo quy định pháp luật mới nhất?

Cơ sở pháp lý:
-         Luật Doanh nghiệp 2020;
-         Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

Điều 37. Tên doanh nghiệp
1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
a) Loại hình doanh nghiệp;
b) Tên riêng.
2. Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
3. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Điều 39. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
2. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.”

Căn cứ vào các quy định nêu trên có thể hiểu như sau:
-  Doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải có tên tiếng Việt. Tên tiếng Việt bao gồm 02 thành tố là: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng. Tại bộ phận tên riêng mọi người có thể đặt tên bằng các chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Ví dụ: Công ty TNHH Athemis, Công ty Cổ phần Jumstart,…
-  Doanh nghiệp Việt Nam có thể có tên nước ngoài nhưng tên này chỉ là tên phụ. Hơn nữa, tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài phải được dịch từ Tiếng Việt sang hệ chữ cái La-tinh. Hệ chữ cái La-tinh là các chữ cái a, b, c, d…thể hiện dưới nhiều ngôn ngữ khác nhau (ví dụ: Tiếng Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển,...)
Ví dụ: Athemis Company Limited, Jumstart Joint Stock Company,…

CÁC LƯU Ý KHI ĐẶT TÊN DOANH NGHIỆP:
-  Không đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật Doanh nghiệp 2020.
-  Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. 
- 
Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
-  Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó. Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.           
- 
Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Quỳnh Như

Powered by Blogger.