Hướng dẫn chi tiết viết Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm mới nhất
VANTHONGLAW - Căn cứ quy định tại Điều 351 BLTTDS 2015, có thể hiểu, sau khi 01 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng lại phát hiện được tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định đó mà Toà án, các đương sự không biết trước khi Toà án ra bản án, quyết định đó thì có thể yêu cầu Toà án có thẩm quyền xét lại bản án, quyết định đó theo thủ tục tái thẩm.
Theo đó, khoản 1 Điều 353 và Điều 355 BLTTDS 2015 quy định đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Bài liên quan
>>> Mẫu Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định mới nhất
>>> Đã xét xử phúc thẩm xong, có thể đề nghị xét xử tiếp được không?
>>> Mẫu Đơn xin ly hôn đơn phương theo quy định mới nhất
>>> Thủ tục thi hành án dân sự đối với vụ án tranh chấp thừa kế
>>> Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị COVID-19 tại nhà
CĂN CỨ ĐỂ KHÁNG NGHỊ THEO THỦ TỤC TÁI THẨM
Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ được quy định tại Điều 352 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:
1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.
NỘI DUNG ĐƠN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT THEO THỦ TỤC TÁI THẨM
Ngoại trừ các quy định trên, các quy định khác về thủ tục tái thẩm được thực hiện như các quy định của BLTTDS 2015 về thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm có những nội dung tương tự như đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CÁCH VIẾT MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT THEO THỦ TỤC TÁI THẨM
1. Thông tin cơ bản
- Ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị;
Điền chính xác thông tin về ngày, tháng, năm làm đơn đề nghị.
- Tên, địa chỉ của người đề nghị;
Nếu người đề nghị là cá nhân, cần điền rõ ràng và chính xác thông tin về họ tên và địa chỉ cư trú của cá nhân đó.
Nếu người đề nghị là cơ quan, tổ chức, cần điền rõ ràng và chính xác thông tin về tên cơ quan, tổ chức, địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức và họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó.
(Ví dụ: Công ty X do ông Nguyễn Văn A - Tổng giám đốc làm đại diện)
- Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
(Ví dụ: Chánh án Toà án nhân dân tối cao)
- Tên bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật
Điền rõ ràng, chính xác tên bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm. Nếu là bản án sơ thẩm thì ghi “sơ thẩm”, nếu là bản án phúc thẩm thì ghi “phúc thẩm”
(Ví dụ: Bản án phúc thẩm số 127/2018/DS-PT ngày 05/07/2018 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất)
2. Lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị
Đây là phần quan trọng nhất trong Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm. Các lý do đề nghị, yêu cầu của người đề nghị cần dựa trên căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 352 BLTTDS 2015 nêu trên.
Yêu cầu của người đề nghị cần được ghi cụ thể, rõ ràng và chính xác. (Ví dụ: Đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, huỷ bản án phúc thẩm số 127/2018/DS-PT ngày 05/07/2018 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất của Toà án nhân dân tỉnh A để xét xử sơ thẩm lại theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.)
3. Phần ký tên hoặc điểm chỉ, đóng dấu vào phần cuối đơn
Nếu người đề nghị là cá nhân, thì cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ trực tiếp vào đơn;
Nếu người đề nghị là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên trực tiếp và đóng dấu trực tiếp vào đơn.
Cần thực hiện đầy đủ và chính xác phần này vì đây là căn cứ để xác định chính xác chủ thể nộp đơn và trách nhiệm của chủ thể đó khi có các vi phạm.
4. Hồ sơ đính kèm
Ghi tên bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
(Ví dụ:
1. Bản sao Bản án phúc thẩm số 127/2018/DS-PT ngày 05/07/2018 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất;
2. Bản sao Chứng minh nhân dân Nguyễn Văn A.)
Xem Mẫu Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm mới nhất tại đây
Anh Thư