Điều chỉnh hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam

Điều chỉnh hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam


VANTHONGLAW - Để một thị trường cạnh tranh vận hành hiệu quả và lành mạnh, bên cạnh việc xác lập tương quan cân bằng giữa những người bán và người mua, một yếu tố quan trọng cần đảm bảo là sự minh bạch và đầy đủ về thông tin trên thị trường. Quảng cáo trong cơ chế thị trường đóng vai trò là nguồn thông tin chủ yếu, không chỉ đem lại những hiểu biết về các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ được đưa vào lưu thông, mà còn giúp tạo dựng quan hệ giữa người bán và người mua, định hướng và kích thích tiêu dùng. Do đó, điều chỉnh quảng cáo là một nhiệm vụ cần thiết đặt ra cho mỗi thiết chế quản lý nền kinh tế thị trường. 

Bài liên quan

Sau gần 20 năm nước ta thực hiện công cuộc Đổi mới, phát triển toàn diện nền kinh tế xã hội, cơ chế thị trường tại Việt Nam đã dần được định hình và phát triển hướng theo các quy luật khách quan, trong đó quy luật cạnh tranh là một nền tảng cho sự vận hành của các hoạt động thị trường. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế góp mặt và hoạt động kinh doanh đã từng bước tạo nên một môỉ trường cạnh tranh với những biểu hiện đa dạng và sôi động. 

Tuy nhiên, cơ chế thị trường phát triển đến một mức độ nhất định cũng bắt đầu bộc lộ những mặt trái tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân và toàn thể xã hội. Đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ chế quản lý cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội khoá IX thông qua tại kỳ họp 6 tháng 12/2004 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2005, với quy định điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan cạnh tranh và thủ tục giải quyết các vụ việc cạnh tranh. 

Luật Cạnh tranh ra đời góp phần quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như tiến trình hội nhập. Trong các hành vi cạnh tranh không lành mạnh Luật Cạnh tranh quy định, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một lĩnh vực phức tạp với nhiều biểu hiện đa dạng trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Luật điều chỉnh các hành vi quảng cáo so sánh, quảng cáo bắt chước, quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn, và các hoạt động quảng cáo bị pháp luật cấm khác. 

Trước khi Luật Cạnh tranh được ban hành, đã tồn tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động quảng cáo như Pháp lệnh Quảng cáo 2001, Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng 1999, Luật Thương mại 1997 và 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Sự trùng lặp và chồng chéo về nội dung giữa các văn bản ngang cấp này gây khó khăn cho việc tổ chức thực thi pháp luật thống nhất trên thực tế. 

Trong khi đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành quảng cáo tại Việt Nam, một số hoạt động quảng cáo không lành mạnh đã xuất hiện giữa các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường, gây tổn hại đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội nói chung. Một loạt các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh được ban hành sau đó cũng chưa cung cấp đầy đủ những hướng dẫn chi tiết về việc áp dụng quy định về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. 

Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh không có hướng dẫn về phần cạnh tranh không lành mạnh; còn Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh chỉ có quy định về mức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Như vậy, việc nghiên cứu nhằm hoàn thiện các quy định và cơ chế thực thi pháp luật điều chỉnh quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các vấn đề về tính chất cạnh tranh của quảng cáo; định tính, định lượng nội dung và tác động của quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; phạm vi phương tiện quảng cáo, đối tượng tác động của quảng cáo; đặc thù quảng cáo cạnh tranh trong các ngành, lĩnh vực cụ thể; phạm vi thẩm quyền của các cơ quan quản lý về quảng cáo; việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia có pháp luật cạnh tranh phát triển... còn để ngỏ những nội dung mới mẻ cả về lý luận và thực tiễn, rất đáng được quan tâm và sẽ có giá trị áp dụng trong công cuộc phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh ở nước ta. 

Đây là những cơ sở để người viết lựa chọn đề tài “Điều chỉnh hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam” thực hiện Luận văn Thạc sỹ luật học của mình.

Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw

Luật Vạn Thông st

Powered by Blogger.