Luận án tiến sĩ - Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Luận án tiến sĩ - Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

VANTHONGLAW - Trong tác phẩm “Sở hữu trí tuệ - Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế” do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phát hành, Kamil Idris khẳng định: “Tài sản hữu hình như đất đai, lao động và tiền vốn đã từng là tiêu chuẩn so sánh tình trạng kinh tế, điều đó nay không đúng nữa. Động lực mới tạo ra sự thịnh vượng trong xã hội đương thời là tài sản dựa trên trí thức...”. Nhận định trên đây đã phản ánh chân thực về vai trò của tài sản trí tuệ đối với đời sống vật chất và tinh thần của con người, đồng thời tác giả cũng dự báo về xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người dựa trên nền tảng kinh tế trí thức. 

Bài liên quan
>>> Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam hiện nay.
>>> Tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi và bí mật của công ty
>>> Có được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không?
>>> Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có phải "sang tên" cho doanh nghiệp không?
>>> Loại website nào phải được cấp phép theo quy định pháp luật?

Với vị trí, vai trò quan trọng của tài sản trí tuệ như đã nêu, nên từ rất lâu nhiều nước trên thế giới, nhất là các cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), coi đây là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, vấn đề thực thi pháp luật, chống lại hành vi xâm phạm quyền SHTT luôn được các quốc gia chú trọng khi thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu quốc tế. Từ một nước có xuất phát điểm thấp khi tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam muốn phát triển nhanh, bền vững về mọi mặt, từng bước khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế, thì cần phải đặc biệt quan tâm đến thị trường khoa học, công nghệ, phải đẩy mạnh các hoạt động thực thi quyền SHTT, trong đó có cả quyền SHTT có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, làm thế nào để vừa giữ vững an ninh quốc gia (ANQG), bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), tiếp thu được trí tuệ nhân loại để phát triển đất nước… là những vấn đề lớn đặt ra đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn, với vai trò lãnh đạo toàn diện đối với đất nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết định hướng chiến lược, chỉ đạo hoạt động thực thi quyền SHTT ở nước ta. 

Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 nhấn mạnh: “Việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, hình thành và phát triển thị trường khoa học, công nghệ theo hướng phù hợp yêu cầu của WTO và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên là việc làm cấp bách”. Nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, cũng khẳng định: 

“Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ. Có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong giao dịch, mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ…. 

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực SHTT, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật có liên quan, như: Bộ luật Dân sự (BLDS), Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hải quan, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật Xử lý vi phạm hành chính... Đồng thời, nước ta cũng ký kết và tham gia vào nhiều điều ước quốc tế (ĐƯQT) về bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Ngoài ra, Nhà nước cũng chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, thành lập các cơ quan chuyên trách về SHTT và áp dụng những biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quyền SHTT… 

Tuy nhiên, trong thực tiễn, tình hình xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là quyền SHTT có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát triệt để, hành vi xâm phạm quyền tác giả (QTG), quyền liên quan (QLQ), quyền sở hữu công nghiệp (QSHCN) và quyền đối với giống cây trồng (QĐVGCT) vẫn diễn ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng phức tạp, gây thiệt hại trực tiếp đến lợi ích của chủ thể quyền SHTT, ảnh hưởng đến ANQG, TTATXH và làm giảm sút lòng tin của đối tác nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Là một cán bộ công tác trong ngành Công an, tác giả nhận thức rằng: vấn đề thực thi quyền SHTT có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân (CAND); đây là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về quyền SHTT có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà lực lượng CAND hiện vẫn chưa phát huy được tối đa được hiệu quả các mặt công tác trong thực thi quyền SHTT có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. 

Vì những lý do nêu trên, tác giả đã lựa chọn đề tài “Vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” để làm Luận án Tiến sĩ Luật học, nhằm đáp ứng những yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn đang đặt ra.

Nguyễn Vĩnh Diện

Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw

Luật Vạn Thông st

Powered by Blogger.