Pháp luật về quản lý chung cư ở Việt Nam.
VANTHONGLAW - Quyền có nhà ở là một trong những quyền cơ bản của công dân và được quy định trong Hiến pháp nước ta. Nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đô thị đặc biệt như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học và ở lại thành phố tìm việc làm, những người đến tuổi lập gia đình và tách ra khỏi hộ gia đình để ở riêng, diện tích nhà ở chật và kinh tế gia đình ngày được cải thiện, có đủ năng lực tài chính để mua một ngôi nhà ở khác có diện tích lớn hơn hoặc điều kiện tốt hơn, hộ gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống trong một nhà ở.
Để đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, hàng loạt nhà chung cư đã ra đời. Sự xuất hiện của nhà chung cư đã góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và giải quyết chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên, cùng với đó nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình sử dụng đã nảy sinh giữa chủ đầu tư và người dân. Tranh chấp diện tích sử dụng chung, phí dịch vụ cao tại một số nhà chung cư cao cấp và hoạt động không hiệu quả của Ban quản trị nhà chung cư đã và đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Mối quan hệ “Bốn bên” giữa chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý nhà chung cư và người dân trong khai thác sử dụng nhà chung cư còn nhiều bất cập, đặc biệt vai trò của chủ đầu tư sau khi bàn giao căn hộ cho người mua nhà còn chưa hợp lý. Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ Xây dựng, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ và Luật nhà ở năm 2014... đều có quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư và thành lập Ban quản trị nhà chung cư để đại diện quyền lợi cho người dân sống trong nhà chung cư.
Tuy nhiên với những quy định hiện nay thì để người dân lập ra Ban quản trị nhà chung cư đã khó, nhưng để vận hành nó còn khó hơn nhiều, thậm chí nhiều người cho rằng Ban quản trị nhà chung cư là hữu danh vô thực. Ban quản trị nhà chung cư nếu không phải là một pháp nhân, không có con dấu và tài khoản riêng thì thật khó có thể có điều kiện để ký kết các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp quản lý vận hành, bảo trì, các đơn vị cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật cho nhà chung cư.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư tạm giữ, sau đó chuyển giao 2% phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư khi được thành lập, tuy nhiên quy chế bảo quản dài hạn và quản lý hiệu quả số tiền đó để sửa chữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật xuống cấp còn chưa được đề cập đến. Việc thiếu những quy định cụ thể để điều chỉnh các mối quan hệ trong việc quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư đang là nguyên nhân chính của những mâu thuẫn xảy ra liên tiếp giữa chủ đầu tư và người mua nhà chung cư thời gian vừa qua.
Mâu thuẫn này tích tụ theo thời gian và tạo nên định kiến không tốt về loại hình nhà ở này. Về lâu dài, những bất cập đó cản trở việc triển khai chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 của Chính phủ. Để gỡ nút thắt, việc xây dựng các quy định về nhà chung cư đang là đòi hỏi bức thiết từ thực tế cuộc sống. Do đó, tác giả lựa chọn việc nghiên cứu và hoàn thiện “Pháp luật về quản lý chung cư ở Việt Nam” nhằm mục đích góp phần hoàn thiện pháp luật về vấn đề này cho luận văn thạc sỹ của mình dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Doãn Hồng Nhung..
NGUYỄN THỊ THANH NHÀN
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st