Quản lý Nhà nước đối với bán hàng đa cấp ở Việt Nam.
VANTHONGLAW - Bán hàng đa cấp là hình thức cung ứng trực tiếp hàng hóa và dịch vụ đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối. Mô hình kinh doanh này đã ra đời ở Mỹ những năm 1940, được đánh giá là rất phát triển và đến nay có nhiều doanh nghiệp áp dụng, đạt được thành công, như Tập đoàn Amway, Công ty Herbalife… Bán hàng đa cấp đã tồn tại và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút rất nhiều người tham gia, và mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối và khách hàng, người tiêu dùng.
Bài liên quan
>>> 09 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm và miễn phí vắc xin phòng COVID-19
>>> Đoạn ghi âm vận chuyển bệnh - chia sẻ có vi phạm pháp luật?
>>> Thiết lập cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 đối với phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức.
>>> Xử phạt người dùng smartphone không cài đặt Bluezone theo tình hình thực tế của địa phương.
>>> Hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tính đến nay, theo Hiệp hội bán hàng trực tiếp thế giới có hơn 30.000 công ty đã chọn mô hình bán hàng đa cấp cho hoạt động phân phối hàng hóa của mình. Kể từ khi xuất hiện cho đến nay, bán hàng đa cấp vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ở mô hình bán hàng đa cấp, hàng hóa được phân phối thông qua mạng lưới người tham gia ở nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Hàng hóa được tiếp thị, cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng, và hoa hồng từ hoạt động tiếp thị, phân phối hàng hóa này người tham gia (hay còn được gọi là nhà phân phối) sẽ được hưởng cùng với tiền thưởng hoặc lợi ích khác.
Người tiêu dùng sau khi sử dụng và cảm nhận chất lượng sản phẩm nếu tốt, có thể chia sẻ và trở thành người phân phối cho sản phẩm này. Như vậy, hàng hóa được phân phối theo một phương thức mới, một kênh bán hàng mới. Khi hàng hóa, sản phẩm được bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới người tham gia, doanh nghiệp và nhà sản xuất sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc quảng cáo, vận chuyển, kho bãi, khuyến mại…
Với nguồn chi phí tiết kiệm này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư cho sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng và cạnh tranh hơn. Đã có rất nhiều những bài nghiên cứu, phân tích về phương thức kinh doanh đa cấp này ở trên thế giới và ở Việt Nam. Đó là các công trình nghiên cứu của Richard Poe: Làn sóng thứ ba – Kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng (2003); Làn sóng thứ tư – Kinh doanh theo mạng thế kỉ 21 (2013); Các công trình nghiên cứu của John Kalench: Bạn có thể trở thành bậc thầy trong kinh doanh theo mạng (tái bản 2012), Cơ hội thuận lợi nhất trong lịch sử loài người (2002); Hay sách chuyên khảo của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương): Hỏi – đáp về bán hàng đa cấp (2006), của Sở Công thương Hà Nội: Tìm hiểu một số quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (2018); Hoặc các công trình nghiên cứu, các bài viết của tác giả trong nước…
Mặc dù vậy, nhìn nhận mô hình bán hàng đa cấp dưới góc độ quản lý kinh tế, đặt trong bối cảnh của Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là nước có nền kinh tế đang phát triển, chịu sự tác động rất lớn của quá trình toàn cầu hóa cũng như công nghiệp 4.0, thì còn chưa có những đề tài nghiên cứu một cách trực diện, đầy đủ, hệ thống. Việc nghiên cứu phương thức bán hàng đa cấp dưới góc độ quản lý kinh tế sẽ tạo nên nền tảng lý luận đánh giá thực chất về quản lý bán hàng đa cấp ở Việt Nam, để soi chiếu vào thực tiễn quản lý phương thức này, góp phần phát hiện những hạn chế và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện công tác quản lý bán hàng đa cấp.
Bán hàng đa cấp được nhiều nước công nhận và đã ban hành các văn bản quy định quản lý khác nhau, phân công các cơ quan, cán bộ từ Trung ương đến địa phương để quản lý phương thức kinh doanh này. Ở Việt Nam, bán hàng đa cấp du nhập vào từ những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 nhưng đến 2004, lần đầu tiên trong Luật Cạnh tranh mới bắt đầu ghi nhận thuật ngữ “bán hàng đa cấp”. Tiếp đó, Nghị định 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, chính thức thiết lập một cơ chế quản lý đối với bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia của Bộ Công thương (thông qua Cục quản lý cạnh tranh) và UBND cấp tỉnh (thông qua Sở Công thương).
Tuy nhiên, từ khi được phép thực hiện kinh doanh ở Việt Nam đến nay, bán hàng đa cấp bên cạnh những lợi ích mang lại về kinh tế, xã hội thì ngày càng phát triển với những biến tướng, xuất hiện xu hướng nhiều tiêu cực, nhiều đối tượng lợi dụng những khe hở của những quy định của Nhà nước, cùng với sự thiếu hiểu biết và không có khả năng tự bảo vệ bản thân của người tham gia, người tiêu dùng để thực hiện các hành vi bất chính. Từ những bất cập đó, 10 năm sau khi Nghị định 110/2005/NĐ-CP ra đời thì ngày 14/05/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP thay thế để quản lý bán hàng đa cấp.
Tuy thế, những tồn tại mà cơ chế quản lý trước đây để lại cùng thực tế bán hàng đa cấp ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vào cả những lĩnh vực tưởng chừng như khó có thể thương mại hóa; song song với đó là nhận thức của người tham gia bán hàng đa cấp, của người tiêu dùng cũng còn hạn chế khiến cho công tác quản lý của Nhà nước đã gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các công ty bán hàng đa cấp đã lợi dụng sự hiểu biết về mô hình bán hàng đa cấp, về công ty bán hàng đa cấp… còn ít cũng như tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, nhiều, mà không cần trình độ, bằng cấp… đã khiến nhiều người tham gia, người tiêu dùng bị lừa và chịu thiệt hại.
Mục tiêu quản lý Nhà nước là tạo môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - thương mại phát triển nhưng lợi dụng điều kiện kinh doanh thuận lợi này cũng như sự lúng túng, thiếu nguồn lực của các cơ quan quản lý, kém hiệu lực hiệu quả của các công cụ quản lý…gây ra tình trạng 3 hiện nay các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính thì ít mà các doanh nghiệp kinh doanh bất chính thì nhiều. Bên cạnh đó, dựa vào đặc tính của bán hàng đa cấp, một số đối tượng đã lợi dụng cách thức, làm biến tướng, lừa đảo lòng tin của những người dân lương thiện, thật thà chỉ muốn làm giàu bằng mọi cách nhưng thiếu thông tin và sự hiểu biết về thị trường, thương mại còn hạn chế.
Trước những bất cập đó, ngày 12 tháng 3 năm 2018, Chính phủ đã ban hành văn bản mới là Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có hiệu lực từ 01/05/2018 với nhiều điểm đổi mới để bắt kịp diễn biến của bán hàng đa cấp ở Việt Nam. Bản chất của bán hàng đa cấp là tiên tiến, hiện đại, đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Nga…
Tuy nhiên, tại sao khi du nhập và triển khai ở Việt Nam lại gây ra nhiều hệ lụy và tiêu cực như vậy? Những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, những người tham gia, người tiêu dùng cũng như mọi người dân đều mong muốn bán hàng đa cấp được phát triển bình thường, mang lại lợi ích cho xã hội, và họ có được những sản phẩm tốt để tiêu dùng, có được lợi ích và được bảo vệ. Đây chính là những yêu cầu rất chính đáng đang đặt ra trong thực tế hiện nay.
Như vậy, thời điểm bây giờ rất cần những công trình nghiên cứu để hệ thống lại và xây dựng cơ sở lý luận về bán hàng đa cấp nói chung, quản lý Nhà nước đối với bán hàng đa cấp trong bối cảnh hiện nay. Và trên cơ sở nền tảng đó, thì cần phải nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình quản lý Nhà nước đối với bán hàng đa cấp ở Việt Nam, chỉ ra những thành công và hạn chế, cũng như những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong QLNN đối với hoạt động này trong thời gian qua, từ đó tạo cơ sở thực tiễn xác thực cho việc đưa ra những giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm quản lý tốt hơn bán hàng đa cấp ở Việt Nam
Từ những yêu cầu cấp bách của thực tế và những lý do đã nêu, NCS chọn đề tài: “Quản lý Nhà nước đối với bán hàng đa cấp ở Việt Nam” cho Luận án tiến sĩ của mình.
NGUYỄN THỊ HƯƠNG GIANG
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st