Quy định của pháp luật đối với khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất.
VANTHONGLAW - Khu chế xuất là khu công nghiệp đặc biệt chỉ dành cho việc sản xuất, chế biến những sản phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài. Thường dùng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến xuất, khẩu. Có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp. Bên cạnh đó được hưởng các ưu đãi về các mức thuế xuất, nhập khẩu hay các ưu đãi về giá cả thuê mướn mặt bằng sản xuất, thuế thu nhập cũng như cắt giảm tối thiểu các thủ tục hành chính.
Bài viết liên quan!
>>> Pháp luật về quản lý chung cư ở Việt Nam
>>> Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà đất ở Việt Nam không?
>>> Điều kiện và thủ tục thừa kế trong công ty cổ phần
>>> Vợ bỏ nhà đi đã lâu, chồng muốn ly hôn làm thế nào?
>>> Thủ tục tạm ngừng kinh doanh 2021
YẾU TỐ ĐỂ TRỞ THÀNH DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT
Doanh nghiệp chế xuất (DNCX) là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa của doanh nghiệp đó được sản xuất và xuất khẩu 100% ra thị trường nước ngoài. Thực hiện thủ tục khai báo với cơ quan Hải quan để trở thành DNCX.
DNCX đóng một vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế trong nước và giao lưu hàng hóa nội địa ra thị trường nước ngoài.
DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT CÓ THỂ MUA BÁN HÀNG HÓA RA THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA ? THỦ TỤC NHƯ THẾ NÀO?
Tại khoản 3 và khoản 5 Điều 1 Nghị định 114/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 11 năm 2015 sửa đổi bổ sung Điều 21 nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định, cụ thể:
Điều 1:
“3. Doanh nghiệp chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.
5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.
Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.”
Ví dụ: Đối với việc nhập hàng hóa vào khu chế xuất.
Công ty A là công ty chuyên cung cấp lương thực, thực phẩm cho công ty B là DNCX. Khi công ty A đến giao lương thực, thực phẩm cho công ty B không cần thực hiện thủ tục xuất - nhập khẩu để vào khu chế xuất vì hàng hóa là lương thực, thực phẩm nằm trong quy định được miễn trừ của hải quan đối với thủ tục quan hệ trao đổi hàng hóa là xuất - nhập khẩu trong khu chế xuất.
Việc nhập hàng hóa như vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm,... từ nội địa vào khu chế xuất sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc DNCX bán và đưa các hàng hóa ra thị trường nội địa, cụ thể là thị trường Việt Nam.
Để đưa hàng hóa trong khu chế xuất vào thị trường Việt Nam, DNCX phải đảm bảo những điều kiện sau:
- DNCX được bán vào thị trường nội địa là tài sản thanh lý;
- Các hàng hóa phải theo quy định của luật đầu tư và thương mại;
- Khi hàng hóa thanh lý được đưa vào thị trường nội địa chỉ áp dụng chính sách quản lý xuất, nhập khẩu nếu hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành mà chưa được thực hiện khi nhập khẩu;
- DNCX phải mở sổ kế toán, hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa khi có giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam;
- DNCX phải bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất của DNCX hoặc phải thành lập một chi nhanh riêng nằm ngoài DNCX, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.
QUY ĐỊNH VỀ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT
Hiện nay, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải chịu một loại thuế nhất định. Trừ các loại hàng hóa có xuất xứ từ các nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế như giảm thuế, miễn trừ thậm chí là miễn thuế xuất - nhập khẩu đối với các loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định của luật thuế xuất, nhập khẩu:
Bên cạnh đó có loại hàng hóa đặc biệt được hưởng loại thuế xuất 0%, cụ thể:
“Điều 9. Thuế suất 0%
1. Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
...
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này”
Ví dụ: Công ty B ký hợp đồng với Công ty C về việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế cho dự án đầu tư ở Cam-pu-chia của Công ty C (Công ty B và công ty C là các doanh nghiệp Việt Nam). Hợp đồng có phát sinh các dịch vụ thực hiện ở Việt Nam và các dịch vụ thực hiện tại Cam-pu-chia thì giá trị phần dịch vụ thực hiện tại Cam-pu-chia được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đối với phần doanh thu dịch vụ thực hiện tại Việt Nam, Công ty B phải kê khai, tính thuế GTGT theo quy định.
Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, giao lưu hàng hóa trong nước ra thị trường nước ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu có những ưu đãi đặc biệt về thuế, thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể tận dụng và phát triển mặt hàng của mình.
Quang Long