Quyền của lao động nữ theo pháp luật Việt Nam.
VANTHONGLAW - Trong lịch sử phát triển của loài người, phụ nữ luôn là một bộ phận đóng vai trò không thể thiếu đối với gia đình và xã hội. Bằng phẩm chất, trí tuệ và lao động sáng tạo, phụ nữ không chỉ góp phần tạo ra của cải, vật chất, tinh thần mà còn tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vì sự tiến bộ của nhân loại. Phụ nữ là người lao động, người công dân đồng thời là người mẹ, người thầy đầu tiên trong cuộc đời mỗi con người. Do đó, khả năng và điều kiện lao động, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cũng như vị trí xã hội, đời sống vật chất của phụ nữ ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển thế hệ tương lai.
Bài liên quan>>> Thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
>>> Luận văn thạc sĩ "Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ở Việt Nam hiện nay."
>>> Luận văn thạc sĩ "Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng theo pháp luật Việt Nam hiện nay".
>>> Luận văn thạc sĩ “Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng” [PDF]
>>> Các loại đất theo quy định của Luật đất đai năm 2013
Đứng dưới góc độ quyền con người thì quyền lao động và quyền bình đẳng được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948, Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước CEDAW năm 1979 - Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các Công ước của ILO….Nhằm bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy quyền của phụ nữ trong việc hưởng thụ các quyền cơ bản của con người trước hết là bảo đảm cho phụ nữ được sống an toàn, tự do, bình đẳng, phát triển bền vững, Việt Nam đã gia nhập và phê chuẩn hai công ước quan trọng là Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948, Công ước CEDAW năm 1979.
Với tư cách là một thành viên của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đồng thời là quốc gia ký kết Công ước số 111- Công ước về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp năm 1958; Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau năm 1951....Việt Nam đang ngày càng nỗ lực bảo vệ quyền của lao động nữ được tốt hơn. Ở Việt Nam, phụ nữ và nam giới đều bình đẳng trước pháp luật trong mọi đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Lao động nữ là nguồn nhân lực to lớn góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong thời kỳ hội nhập.
Cuộc giải phóng phụ nữ gắn liền với cuộc giải phóng dân tộc là con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam với khẩu hiệu “người cày có ruộng”, “nam nữ bình đẳng” làm luận cương chính trị. Ngay từ Hiến pháp năm 1946, Nhà nước đã quan tâm đến quyền của phụ nữ, rút ngắn khoảng cách phân biệt đối xử, “đàn bà ngang quyền với đàn ông” quy định này tạo tiền đề và cơ sở cho chuyển biến to lớn về vị trí vai trò của phụ nữ trong pháp luật và thực tế xã hội Việt Nam sau này. Kế thừa nguyên tắc tiến bộ của Hiến pháp 1946, tại Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đều ghi nhận quyền của phụ nữ. Hiến pháp 2013, một lần nữa khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.
Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Một trong những mục tiêu và nhiệm vụ của pháp luật lao động là khai thác tiềm năng lao động của đất nước, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động. Vì vậy, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm mối quan hệ về lợi ích trong quan hệ lao động phát triển hài hoà và ổn định cũng là yêu cầu cấp thiết. Việc bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nữ, trước hết là quyền bình đẳng với lao động nam không nằm ngoài yêu cầu đó.
Thực hiện nhiệm vụ này, hệ thống pháp luật nước ta nói chung, pháp luật lao động nói riêng đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lí nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền của người lao động nữ. Trong nhiều năm qua Việt Nam đã rất nỗ lực chuyển hóa các quy định của ILO vào pháp luật lao động, chuyển hóa các quy định, các điều ước quốc tế về quyền con người vào các quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình…nhưng thực tế tình trạng phân biệt đối xử đối với lao động nữ vẫn tồn tại và việc bảo đảm, bảo vệ quyền của lao động nữ vẫn chưa hiệu quả.
Thực tiễn thi hành pháp luật lao động đã cho thấy, sự gia tăng nhu cầu sử dụng lao động và tăng thu nhập cho người lao động không đồng nhất với với sự bảo đảm quyền lợi của người lao động. Do những đặc điểm về tâm sinh lý, giới tính, lao động nữ thường gặp khó khăn hơn so với lao động nam trong quan hệ lao động. Cùng với quan niệm sai lệch về giới làm cho lao động nữ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương hơn.
Với đặc thù về giới và sự tồn tại của quan niệm “trọng nam khinh nữ” lao động nữ ở Việt Nam vẫn bị yếu thế, gặp nhiều thách thức, bị xâm phạm về quyền và lợi ích. Từ thực trạng trên cho thấy nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về “Quyền của lao động nữ theo pháp luật Việt Nam” nhằm luận giải các vấn đề về quyền của lao động nữ như: quyền bình đẳng về việc làm và thu nhập, quyền nhân thân, quyền làm mẹ cũng như các biện pháp bảo vệ thúc đẩy quyền cho lao động nữ là cần thiết. Từ đó đề xuất việc hoàn thiện và đưa ra các giải pháp, kiến nghị giúp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về lao động và các nhà hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ có những biện pháp bảo đảm, bảo vệ thúc đẩy quyền cho lao động nữ ngày càng tốt hơn.
ĐẶNG THỊ THƠM
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st