Thủ tục khai nhận di sản thừa kế mới nhất năm 2021


VANTHONGLAW – Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản do người chết để lại cho người có quyền hưởng di sản. Vậy điều kiện, trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế cụ thể như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Bài viết liên quan:
>>> Di chúc miệng hợp pháp khi nào?
>>> Mua bán nhà đất bằng vi bằng là gì? Nhà nước có cấm không?
>>> Làm giả hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giải quyết như thế nào?
>>> Một sổ đỏ mang đi thế chấp tại nhiều Ngân hàng có được không?
>>> Thủ tục tạm ngừng kinh doanh 2021

Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật Công chứng năm 2014;
- Nghị định số 29/2015/NĐ-CP.

1. Trường hợp nào phải khai nhận di sản thừa kế?

Theo Điều 58 Luật Công chứng năm 2014, công chứng khai nhận di sản thừa kế chỉ xảy ra trong 02 trường hợp sau:
(1)  Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật;
(2)  Những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.
Trong trường hợp di sản có nhiều người thừa kế di sản những người này có thỏa thuận phân chia di sản thì sẽ tiến hành thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo Điều 57 Luật Công chứng năm 2014.

2. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khai nhận di sản thừa kế
Hồ sơ bao gồm:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Dự thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);
- Di chúc nếu thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng (hộ khẩu, giấy khai sinh, tờ khai nhân khẩu,…) nếu chia thừa kế theo pháp luật;
- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản; Giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có)…
- Các giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô… Các giấy tờ khác về tình trạng tài sản chung/riêng như bản án ly hôn, văn bản tặng cho tài sản, thỏa thuận tài sản chung/riêng…
- Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế;
- Hợp đồng ủy quyền trong trường hợp nhiều người được nhận thừa kế nhưng không chia di sản (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ
- Nơi thực hiện: Phòng công chứng, văn phòng công chứng.
- Thủ tục: Sau khi nộp hồ sơ, công chứng viên sẽ tiến hành kiểm tra để xác định người để lại di sản có đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản hay không;
Nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Bước 3: Niêm yết việc thụ lý văn bản công chứng khai nhận di sản thừa kế
Thủ tục niêm yết việc thụ lý văn bản công chứng khai nhận di sản thừa kế quy định cụ thể tại Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP như sau:

- Nơi niêm yết:
+ Tổ chức hành nghề công chứng tiến hành niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
+ Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
+ Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

- Nội dung niêm yết:
Phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế.
Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

- Thời hạn niêm yết: 15 ngày

Bước 4: Ký công chứng văn bản khai nhận di sản và nhận kết quả
- Sau thời gian niêm yết, nếu không có khiếu nại, khiếu kiện nào (đã có xác nhận của UBND phường, xã) thì Công chứng viên lập Văn bản Khai nhận di sản thừa kế hoặc Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế;
- Những người khai nhận di sản thừa kế đọc Văn bản, khi đồng ý với nội dung thì ký vào văn bản trước mặt Công chứng viên;
- Công chứng viên ký công chứng Văn bản;
- Người yêu cầu công chứng nộp lệ phí và đóng dấu của Phòng Công chứng.

Quỳnh Như

---------

Khách hàng có nhu cầu "Khai nhận di sản thừa kế, khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com

BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG

 

 

Powered by Blogger.