Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ theo pháp luật phá sản Việt Nam

 

Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ theo pháp luật phá sản Việt Nam

VANTHONGLAW - Sự phát triển tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong vài thập kỷ vừa qua đã mang lại thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng về kinh tế, trở thành một nước đang phát triển “vững chắc”, có xu hướng tích cực. Doanh nghiệp Việt Nam đã dần có chỗ đứng vững chắc không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã từng bước vươn tầm khu vực, thế giới. 

Bài liên quan

Đối lập với xu hướng tích cực là tình trạng thua lỗ, phá sản của doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng lên không ngừng, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế, người dân và xã hội. Mặc dù đây là hệ quả tất yếu của quá trình cạnh tranh, phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về bảo đảm sự lành mạnh, ổn định của hoạt động kinh tế trong hoạt động quản lý nhà nước của các cấp, các ngành. Cũng như các quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam luôn đặt ra nhiệm vụ giải quyết tình trạng thua lỗ, phá sản trên cơ sở bảo đảm môi trường kinh doanh hợp pháp và lành mạnh cho các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh. 

Luật Phá sản doanh nghiệp của Việt Nam lần đầu tiên được ban hành năm 1993 và được thay thế bằng Luật Phá sản năm 2004 có hiệu lực từ ngày 15/10/2004 đến 31/01/2014, trong đó chính thức xác định thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và để đáp ứng tình hình phát triển doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, việc hiện thực hóa mục tiêu ban hành thủ thủ này không thành công như mong đợi, cả nước chỉ có 01 vụ việc được thực hiện (thành công). 

Kết quả tổng kết thi hành Luật Phá sản năm 2004 đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện, chưa phát huy được vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để quản lý sự tồn tại, hoạt động và chấm dứt của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doan, bảo đảm tính thực tiễn của thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn trong tổng thể thủ tục phá sản. Do đó, ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản năm 2014 - một bước tiến đáng kể của Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết. 

Trong đó, Luật này đã quy định riêng một chương (Chương VII) về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh với những nội dung mới thực sự cần thiết và quy trình, thủ tục chặt chẽ, bao quát các trình tự thực hiện hơn so với Luật Phá sản năm 2004, với mục tiêu “tạo một cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện để phục hồi, tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh” . 

Tuy nhiên, thực tế thi hành thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo Chương VII Luật Phá sản năm 2014 không tương xứng, các vụ việc phá sản tại các Tòa án hầu như không có những vụ việc/trường hợp thực hiện theo thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh (hiện nay, qua thống kê, mới chỉ có 02 vụ việc được tiến hành phục hồi hoạt động kinh doanh theo Luật Phá sản - xem Phụ lục 1). 

Qua đánh giá tình hình thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy còn thiếu những cơ chế pháp lý cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi mất khả năng thanh toán nợ đến hạn tìm đến, đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ về tài chính, vốn; việc thực hiện thủ tục kiểm kê tài sản (trước khi thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) thường kéo rất dài, ảnh hưởng đến tâm lý mong muốn phục hồi doanh nghiệp của các bên liên quan; một số chủ thể có vị trí, vai trò, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu (như chế định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản); đặc biệt, những yếu tố khác ảnh hưởng quan trọng đến kết quả thực hiện thủ tục này là sự thiếu minh bạch về tài chính, kế toán trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tâm lý bài trừ doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục phá sản nói chung trong xã hội… 

Do đó, hầu hết các trường hợp phục hồi doanh nghiệp có đủ dấu hiệu mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo Luật Phá sản được tiến hành trước khi tiến hành thủ tục phá sản, bằng các phương thức dân sự, kinh tế, hành chính và đã mang lại những kết quả tích cực hơn so với việc thực hiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Phá sản. 

Thực tế trên đặt ra yêu cầu đối với khoa học pháp lý là cần nghiên cứu, đánh giá lại thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành để tạo cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành về phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn; cần nghiên cứu những phương thức phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thực tiễn để lý giải tại sao cơ chế phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn còn thiếu những cơ chế, giải pháp nào khiến cho việc thực hiện mục tiêu khi ban hành thủ tục này không đạt được (không có chuyển biến căn bản so với việc thi hành Luật Phá sản năm 2004). 

Đồng thời, việc nghiên cứu pháp luật về phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn ở một số nước phát triển sẽ cho cái nhìn rõ nét hơn về lý do hiệu quả thi hành thủ tục này. Hiện nay, nghiên cứu về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn trong thời gian gần đây đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm không chỉ đối với giới nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách mà còn cả giới luật gia và doanh nghiệp. Tuy không phải là vấn đề nghiên cứu mới, nhưng hiện tại chưa có công trình nào nghiên cứu có tính lý luận chuyên sâu, toàn diện về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. 

Một số công trình nghiên cứu đã giải quyết nội dung về thủ tục này trong một lĩnh vực hẹp hơn, thiếu tính toàn diện, hệ thống. Điều này đặt ra nhiệm vụ và khoa học pháp lý là cần xây dựng cơ sở lý luận khoa học, làm cơ sở đánh giá đúng đắn thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành pháp luật về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn (sau đây gọi tắt là: doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ), từ đó đề xuất phương hướng và các giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ, góp phần thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Việt Nam đang trong quá trình nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó, nhu cầu cấp bách trong giai đoạn trước mắt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Các động lực thúc đẩy phát triển rất nhiều nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế. 

Vì vậy, đất nước cần có thủ tục tư pháp về phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ phù hợp hơn với quy luật thị trường, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế - xã hội nói chung. Trước thực trạng trên, việc nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ theo pháp luật phá sản Việt Nam” để nghiên cứu và thực hiện luận án tiến sĩ luật học, có ý nghĩa không chỉ về khoa học pháp lý mà còn có ý nghĩa thực tiễn trong hoạt động giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp và bảo đảm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

TRẦN THỊ THU HÀ

Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw

Luật Vạn Thông st

Powered by Blogger.