Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam.
VANTHONGLAW - Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (NQ49/TW) đã chỉ rõ quan điểm về việc xây dựng thủ tục rút gọn: “… Xây dựng cơ chế xét xử theo thủ tục rút gọn đối với những vụ án có đủ một số điều kiện nhất định”. NQ49/TW cũng quy định: “Cải cách tư pháp phải xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội… tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh của nước ta và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế…”
Vì vậy, việc xây dựng TTRG trong TTDS là đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay. Hiến pháp 2013 (HP 2013) quy định rõ về việc áp dụng TTRG để giải quyết một số loại vụ án. Để triển khai thi hành HP 2013, việc bổ sung các quy định về TTRG trong TTDS giải quyết một số loại vụ án về TCDS, trong đó bao gồm TCKDTM, là cấp thiết. Vì vậy, việc xây dựng TTRG trong TTDS là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để triển khai thi hành HP 2013.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành (BLTTDS), các tranh chấp dân sự (TCDS) nói chung, cũng như các tranh chấp kinh doanh, thương mại (TCKDTM) nói riêng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án1 đều được giải quyết bằng một trình tự thủ tục tố tụng thông thường, áp dụng chung mà không phân biệt giá trị tranh chấp, tính phức tạp hoặc đơn giản của tranh chấp, có sự thừa nhận nghĩa vụ của đương sự... Bên cạnh đó, việc quy định về thời hạn giải quyết các tranh chấp này như hiện nay là không hợp lý. Bởi lẽ, đối với những tranh chấp phức tạp, thời hạn tối đa mà pháp luật quy định là cứng nhắc, khó thực thi và gây nhiều khó khăn đối với các Tòa án,2 còn đối với những tranh chấp đơn giản, không nhất thiết cần thời hạn dài như vậy.
Ví dụ: doanh nghiệp A ký kết hợp đồng tín dụng hoàn toàn đúng pháp luật với một ngân hàng, tuy nhiên doanh nghiệp A (bên vay) đã cố tình không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Khi thụ lý và giải quyết yêu cầu đòi nợ của ngân hàng (bên cho vay), Tòa án vẫn phải thực hiện một số thủ tục không cần thiết như hòa giải, thu thập chứng cứ theo quy định, phải hoãn phiên tòa lần đầu khi một trong các đương sự hoặc người đại diện của họ được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt dù không có lý do chính đáng và phiên tòa vẫn phải được xét xử bởi một hội đồng gồm ba thành viên…
Ngoài ra, ngay cả khi vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm quyết định theo hướng buộc bên vay phải thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên vay đã thừa nhận, bên vay vẫn có quyền kháng cáo dù chỉ nhằm kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ; và trong trường hợp đó Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải giải quyết vụ án theo thời hạn và thủ tục thông thường…
Như vậy, từ thực tiễn giải quyết các TCDS nói chung, đặc biệt đối với các TCKDTM, cho thấy “thủ tục nặng nề, thời gian giải quyết kéo dài,”3 việc áp dụng tất cả các thủ tục tố tụng như nhau mà không phân biệt tranh chấp phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, đương sự không thừa nhận quyền và nghĩa vụ của nhau… với những tranh chấp đơn giản, chứng cứ rõ ràng, đương sự thừa nhận nghĩa vụ… là bất hợp lý.
Rõ ràng, với quy định như vậy, vô hình chung làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, môi trường kinh doanh và làm tăng chi phí trong hoạt động kinh doanh. Chính quy định thời hạn giải quyết kéo dài vài tháng (mà thực tiễn xét xử có khi lên đến cả năm) của pháp luật tố 3 tụng dân sự (TTDS) hiện hành đã có những tác động không tốt đến quá trình quay vòng của đồng vốn nếu tranh chấp trong vụ kiện có liên quan đến tài sản, tiền, vàng… trong khi đó giá cả trong nền kinh tế thị trường luôn luôn biến động.
Ngoài ra, trong xu thế chung, các nước trên thế giới đều tìm cách giải quyết nhanh các TCKDTM, vì đối với doanh nghiệp thời gian là tiền bạc, là cơ hội kinh doanh, là sự phát triển của nền kinh tế đất nước, của xã hội, không thể để doanh nghiệp phải mất quá nhiều thời gian cho một vụ kiện.5 Bên cạnh đó, thủ tục tố tụng cồng kềnh không cần thiết trong giải quyết một số vụ án về TCDS, trong đó bao gồm TCKDTM, làm lãng phí nguồn lực xã hội, như đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án…
Vì vậy, việc “đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại xuống còn tối đa 200 ngày (hiện nay là 400 ngày), nhất là đối với tranh chấp quy mô nhỏ và giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Tòa án”7 là một nhu cầu thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đòi hỏi cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh hiện nay. Trên thế giới, bên cạnh thủ tục tố tụng thông thường, nhiều nước đã xây dựng thủ tục rút gọn (summary procedure) hay còn gọi là thủ tục giản lược (simplified procedure) để áp dụng xử lý những vi phạm pháp luật nhỏ, giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện có giá trị thấp, những vụ việc đơn giản, 4 chứng cứ rõ ràng,8 được thừa nhận và áp dụng rộng rãi ở nhiều nước.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng thủ tục rút gọn (TTRG) để giải quyết một số vụ án về TCDS nói chung và TCKDTM nói riêng là điều cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Do đó, đề tài: “Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” thực sự là cần thiết và cấp thiết trong bối cảnh trên.
Đặng Thanh Hoa
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st