Thủ tục tạm ngừng kinh doanh 2021
VANTHONGLAW – Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài như hiện nay, việc lưu thông
hàng hóa bị trì trệ dẫn đến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp phải rất
nhiều khó khăn. Một giải pháp tốt cho các doanh nghiệp trong tình huống này là “Tạm
ngừng kinh doanh” để có thể bảo toàn số vốn, tránh những rủi ro nếu tiếp
tục hoạt động hay nặng nề hơn là phá sản. Đồng thời giảm đi các áp lực về các
nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ “nộp thuế”, thanh toán “tiền lương” cho người lao
động. Vậy trình tự, thủ tục, hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng kinh doanh cụ
thể như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Bài viết liên quan:
>>> Doanh nghiệp Việt Nam có được đặt tên bằng tiếng nước ngoài không?
>>> Có được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không?
>>> Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có
phải "sang tên" cho doanh nghiệp không?
>>> Tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi và bí mật của công ty
>>> Thủ tục online nhận 3,7 triệu đồng tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Cơ sở pháp lý:
-
Luật
Doanh nghiệp năm 2020;
-
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP;
-
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT;
-
Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
1. Tạm ngừng kinh doanh là gì?
Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì:
- “Tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng
pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh
theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp.
- Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm
ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh.
- Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm
ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp
đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn
đã thông báo.
Căn cứ vào Điều 206 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Điều 66, Điều 67 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, tạm ngừng kinh doanh sẽ bao gồm 02 trường hợp sau:
(1) Tạm ngừng kinh doanh theo Quyết định của Công
ty;
(2) Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền.
2. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh:
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi
lần thông báo tạm ngừng không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông
báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có
nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải
thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp
tục tạm ngừng kinh doanh.
Như vậy, Luật doanh nghiệp 2020 không giới hạn số lần doanh nghiệp, chi
nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh liên tiếp.
3. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh theo Quyết định của Công ty:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Hồ sơ bao gồm:
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh
doanh (Phụ lục II-19 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
- Nghị quyết, quyết định và bản sao
biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai
thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ
phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.
- Giấy ủy quyền (trường hợp ủy quyền
cá nhân khác nộp hồ sơ);
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu
người thực hiện thủ tục.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Có 2 cách nộp hồ sơ như sau:
Cách 1: Nộp
hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT tỉnh, thành phố
nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Cách 2: Nộp
hồ sơ trực tuyến thông qua trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Nhận kết quả
- Sau khi nhận hồ sơ đăng ký doanh
nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của
hồ sơ và cấp giấy xác nhận về việc
doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tạm ngừng
kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc
kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cập nhật
tình trạng pháp lý của doanh nghiệp và tình trạng của tất cả các chi nhánh, văn
phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc
gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh.
Lưu ý: Thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh
doanh công ty chỉ cần nộp tại Sở kế hoạch đầu tư và KHÔNG phải nộp tại cơ quan
thuế đang quản lý thuế của Doanh nghiệp.
Bước 4: Chính thức tạm ngừng hoạt động kinh doanh công ty
Sau khi nhận được giấy xác nhận tạm
ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ tạm ngừng từ thời gian được ghi trên thông
báo, mọi hoạt động kinh doanh sau ngày tạm dừng hoạt động đều phải dừng lại,
doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại sau khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc
xin hoạt động sớm trở lại khi chưa hết thời hạn tạm ngừng.
4. Hậu quả pháp lý của tạm ngừng kinh doanh
- Khác với giải thể, tạm ngừng kinh
doanh không làm chấm dứt tồn tại của công ty mà chỉ làm chấm dứt hoạt động công ty một thời gian
nhất định. Sau khi hết thời hạn tạm ngừng, công ty trở lại hoạt động như bình
thường.
- Trong thời gian tạm ngừng kinh
doanh, công ty vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ,
hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ
trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận
khác.
- Người nộp thuế trong thời gian tạm
ngừng kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai
thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
- Doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế
cho thời gian đã hoạt động;
- Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng
kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ
quyết toán thuế năm.
5. Tạm ngừng kinh doanh có bắt buộc phải làm thông báo với sở kế hoạch và đầu
tư hay không?
Khoản 1 Điều 206 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất
là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh
trước thời hạn đã thông báo.”
Khi công ty tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo sẽ bị xử lý như sau:
- Phạt hành chính:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến
2.000.000 VNĐ đối với hành vi không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn
về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh
(điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
+ Nếu đăng ký tạm ngừng kinh doanh
nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm
kinh doanh thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm d khoản
1 Điều 32 Nghị định 50/2016/NĐ-CP)
- Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Nếu doanh nghiệp ngừng hoạt động
kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan
thuế thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại
điểm c khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Quỳnh Như