Thực hiện pháp luật về quản lý lao động nước ngoài ở tỉnh Quảng Ngãi.
VANTHONGLAW - Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển kinh tế thế giới, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức thế giới như WTO, ASEAN với mục tiêu chung là xây dựng cộng đồng chính trị - kinh tế - xã hội chung vì vậy việc dần phải loại bỏ rào cản, tiến tới mở cửa thị thường lao động là xu hướng không thể tránh khỏi.
Đồng thời cũng cần khẳng định, nhu cầu phải sử dụng những lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng đặc biệt là nhu cầu của nền kinh tế - xã hội nước ta. Hội nhập đem lại nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm theo hướng công nghiệp với hàm lượng vốn, tri thức cao; các rào cản pháp lý về di chuyển pháp nhân, thể nhân được nới lỏng, các quan hệ kinh tế, đối ngoại, lao động…được thiết lập tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thị trường lao động Việt Nam cũng trở lên linh hoạt và đa dạng hơn, dòng lao động nước ngoài vào Việt Nam ngày càng đông hơn, thị trường lao động Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận lực lượng lao động từ các nước khác trên thế giới. Trong thời gian qua, lao động nước ngoài tại Việt Nam đã và đang có những đóng góp đáng ghi nhận đối với nền kinh tế xã hội, đặc biệt ở các lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao mà hiện tại lao động trong nước, lao động địa phương chưa thể đáp ứng được. Vấn đề quản lý lao động nước ngoài, đặc biệt trong những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền địa phương đặc biệt coi trọng nhằm thực hiện đúng cam kết trên diễn đàn chung thế giới, đồng thời đảm bảo sự phát triển lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng và bảo vệ lao động trong nước.
Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được từ nguồn lao động nước ngoài thì việc quản lý đối với lực lượng lao động này là một bài toán vô cùng phức tạp đối với các cơ quan quản lý lao động, các ngành chức năng về trật tự và an toàn xã hội và những ảnh hưởng từ lực lượng này đến cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, vấn đề nổi cộm là tình hình sử dụng bất hợp pháp lao động nước ngoài (LĐNN) trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Hiện tượng này có xu hướng gia tăng và điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam, đến đời sống của người lao động Việt Nam, mà còn là vấn đề thách thức đối với Nhà nước Việt Nam trong vấn đề về thực thi pháp luật, vừa đảm bảo chủ trương, chính cách, cơ chế và kỹ năng vận hành, điều hành có tính quản lý nhà nước thống nhất; vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của LĐNN tại Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa hội nhập, mở rộng các mối quan hệ hợp tác với nước ngoài nhằm phục vụ cho nhu cầu xây dựng, phát triển đất nước và tuyên truyền chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, Tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các cá nhân, tổ chức nước ngoài triển khai hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh… tại địa phương. Toàn tỉnh hiện có 39 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 4.123 triệu USD; Lũy kế đến 30/6/2016 hiện có 5.822 doanh nghiệp được thành lập trong đó có 4.064 doanh nghiệp đang hoạt động ; Khu kinh tế Dung Quất, Khu đô thị và dịch vụ VSIP, các Khu công nghiệp của tỉnh, hiện nay sử dụng trên 45 nghìn lao động địa phương trong đó có gần 50 doanh nghiệp, nhà thầu có sử dụng lao động người nước ngoài với tổng số gần 400 lao động.
Để quản lý chắc tình hình lao động nước ngoài làm việc tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, không có lao động nước ngoài vào làm việc mà không có giấy phép lao động, thế nhưng do ý thức và nhận thức của con người nói chung các cơ quan, doanh nghiệp, nhà thầu nói riêng qua mặt cơ quan quản lý chức năng để đưa người lao động nước ngoài vào làm việc trái phép làm cho người lao động trong tỉnh bị thất nghiệp, tình hình xã hội trở nên xấu đi.
Để khắc phục tình trạng này, vấn đề giáo dục ý thức quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh công tác quản lý người lao động nước ngoài. Pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam qui định tại Điều 48 Hiến pháp năm 2013 “ Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam”; Bộ Luật lao động năm 2012 là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất hiện nay và Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra tình hình tuyển dụng và sử dụng lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả, phát hiện những bất cập như lao động nước ngoài vào làm việc bằng visa du lịch, lao động làm việc trên 03 tháng mà không có giấy phép lao động, không báo cáo tình hình lao động người nước ngoài đang làm việc cho cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
Từ những lý do trên, là người trực tiếp thực thi nhiệm vụ về công tác này nhận thấy có một số vấn đề cần tìm hiểu thêm để hướng đến giải quyết một cách hợp pháp, hợp lý. Vì vậy, tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài: “Thực hiện pháp luật về quản lý lao động nước ngoài ở tỉnh Quảng Ngãi” làm luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của mình.
TRẦN THỊ XUÂN HƯƠNG
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st