Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam.
VANTHONGLAW - Quy luật cạnh tranh là một trong những quy luật kinh tế khách quan tác động một cách mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp. Cạnh tranh vừa là đòn bẩy vừa là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khai thác và sử dụng những tiềm năng nội lực của mình một cách có hiệu quả. Cạnh tranh trong kinh doanh là quyền cơ bản của các chủ thể kinh doanh trên thị trường và được pháp luật các nước bảo hộ.
Bài liên quan
Các chủ thể kinh doanh có thể sử dụng nhiều phương thức để cạnh tranh với nhau, trong đó có phương thức cạnh tranh lành mạnh và phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 03 tháng 12 năm 2004, Luật Cạnh tranh được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2005. Với tư cách là công cụ pháp lý được sử dụng để loại bỏ các biểu hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, điều chỉnh mặt trái của cạnh tranh, đạo luật ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sự lành mạnh và khả năng phát triển của nền kinh tế trong nước, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng không mang tính phân biệt đối xử.
Đạo luật cũng khuyến khích các chủ thể kinh doanh cạnh tranh một cách lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như năng lực hoạt động của doanh nghiệp thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập của kinh tế trong nước với nước ngoài nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả hơn. Trải qua hơn 11 năm thực thi Luật Cạnh tranh 2004, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh nói chung cũng như pháp luật về chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng cơ bản đã có nhiều tác động thực tế tới quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự đa dạng hóa các thành phần kinh tế cùng với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã phát sinh mà chưa có biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Các chế tài trở nên chưa đủ mạnh để kiểm soát, loại bỏ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các chủ thể kinh doanh. Thực tế đã chứng minh việc điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành chiếm số lượng rất ít so với thực tiễn xảy ra hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Luật Cạnh tranh năm 2004 được đánh giá là một đạo luật thiếu tính chế tài đối với từng hành vi vi phạm cụ thể, chế tài xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn nằm rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau, kể cả các văn bản dưới Luật. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn biểu hiện ở nhiều khía cạnh, nhiều dạng thức và gây ra nhiều tranh chấp trong giới kinh doanh, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.
Vì thế, việc nghiên cứu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cùng với các quy định về chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là rất cần thiết, qua đó định hướng các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thiện pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh theo hướng thiết lập các chế tài phù hợp, đầy đủ, thống nhất và đủ tính nghiêm khắc để tạo một môi trường kinh doanh bình bẳng và công bằng. Đây cũng chính là lý do mà tôi lựa chọn đề tài “Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam” để nghiên cứu và làm luận văn thạc sĩ Luật học của mình.
Luật Vạn Thông st