Hoàn thiện pháp luật về chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam.
VANTHONGLAW -Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã trở thành xu thế tất yếu và đang diễn ra ngày càng sâu rộng về nội dung và quy mô trên nhiều lĩnh vực, được bắt đầu từ năm 1986 khi Đại hội Đảng lần thứ VI mở đường cho công cuộc đổi mới nền kinh tế một cách toàn diện. Theo đó, Việt Nam gia nhập khối ASEAN năm 1995, tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, gia nhập APEC năm 1998, ký Hiệp định Thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ năm 2000 và ký kết nhiều hiệp định thương mại, đầu tư khác.
Bài liên quan
Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO, là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bắt đầu quá trình hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Có thể nói, việc chính thức là thành viên của WTO đem lại cho Việt Nam những cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, bởi ngân hàng là một trong những lĩnh vực được mở cửa mạnh nhất sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức này.
Thực hiện chủ trương khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài, Ngân hàng nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cho các tổ chức tài chính và ngân hàng của nhiều nước vào Việt Nam để hoạt động. Từ đó, các ngân hàng trong nước được tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế, có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ quản trị, điều hành, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, nhất là về các hoạt động nghiệp vụ mà ngân hàng trong nước chưa có hoặc ít có kinh nghiệm cung ứng cho thị trường.
Dưới tác động của xu hướng toàn cầu hoá và nhu cầu phát triển nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường, thực hiện nền kinh tế mở cửa tại Việt Nam, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đã từng bước được thiết lập và phát triển. Sự xuất hiện của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam giúp cho hệ thống ngân hàng nước ta trở nên đa dạng và hoàn thiện hơn. Cũng từ đây, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam đã góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, đẩy nhanh quá trình mở cửa nền kinh tế, đồng thời hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng cũng diễn ra mạnh mẽ và sôi động hơn.
Các ngân hàng thương mại trong nước sẽ được tiếp cận, học hỏi công nghệ ngân hàng tiên tiến từ nước ngoài, từ đó cải tiến nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ ngân hàng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ ngân hàng và kinh doanh tiền tệ. Về mặt pháp lý, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện các văn bản pháp luật điều chỉnh về loại hình ngân hàng này, tuy nhiên pháp luật điều chỉnh ngân hàng nước ngoài nói chung và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở nước ta nói riêng đến nay vẫn chưa thực sự được hoàn thiện.
Pháp luật còn khá nhiều bất cập và hạn chế trong các quy định cả về thủ tục cấp phép và về hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, điều này là trở ngại đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tham gia vào thị trường nước ta. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách sâu sắc và có hệ thống pháp luật về chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam là hết sức cần thiết và vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn.
Vì lý do đó, tác giả chọn đề tài “Hoàn thiện pháp luật về chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam”, làm đề tài luận văn thạc sỹ, chuyên ngành Luật kinh tế với mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về hệ thống pháp luật điều chỉnh loại hình ngân hàng này; tìm ra những ưu điểm, hạn chế trong các quy định của pháp luật, từ đó đề ra một số giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam điều chỉnh chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xem toàn văn tại đây hoặc liên hệ Facebook VanThongLaw
Luật Vạn Thông st