Hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
VANTHONGLAW - Hiện nay, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng. Với việc là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức cam kết toàn diện, Việt Nam đang cùng chung sân chơi với các nước phát triển trên toàn cầu. Vì vậy, Nhà nước ta đang nỗ lực tạo lập một nền kinh tế năng động và hiện đại, rà soát và bổ sung hệ thống pháp luật để đảm bảo tương thích với sự phát triển và hội nhập ấy.
Bài liên quan
Mà một trong số đó là việc quan tâm phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại hiện đại như Trọng tài hay hoà giải thương mại. Chủ trương thúc đẩy việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án nhằm giảm tải cho hệ thống Toà án, cũng như nhằm đa dạng hoá các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh, đã được thể hiện rõ ở Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”.
Luật trọng tài thương mại (2010) là đạo luật quan trọng khẳng định vị trí của hoạt động trọng tài thương mại cũng như là nền tảng pháp lý vững chắc giúp phương thức này phát triển. Đối với phương thức hoà giải thương mại, mặc dù từ năm 1997, Việt Nam đã có quy định về việc ưu tiên sử dụng hoà giải để giải quyết tranh chấp thương mại, cụ thể Điều 239 Luật thương mại (1997) đã quy định: “… Các bên tranh chấp có thể thoả thuận chọn một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân làm trung gian hoà giải. Trong trường hợp thương lượng hoặc hoà giải không đạt kết quả thì tranh chấp thương mại được giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án”.
Cho đến Luật thương mại (2005), Điều 317 vẫn ghi nhận: “Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải”. Nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại cho thấy, các quy định này vẫn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư, vì thế việc ban hành văn bản pháp lý cụ thể hoá nội dung pháp lý về hoà giải thương mại là cần thiết. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoà giải thương mại là một bước nội luật hoá cam kết mở cửa dịch vụ hoà giải đã ký kết với WTO về việc cho phép hiện diện thương mại với hoạt động dịch vụ hoà giải, như với dịch vụ trọng tài.
Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động hoà giải thương mại cũng giúp hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế, cụ thể như Luật mẫu về hoà giải thương mại quốc tế của Uỷ ban pháp luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (2002, sửa đổi bổ sung năm 2018) và pháp luật một số quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với nhu cầu phát triển, chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta và xu hướng hội nhập quốc tế.
Với những lý do này, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài: “Hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” làm đề tài luận án tiến sĩ của mình.
Luật Vạn Thông st