Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
VANTHONGLAW - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, việc Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh thuận lợi và tăng khả năng thâm nhập thị trường các nước thành viên cho các doanh nghiệp của Việt Nam, là chìa khóa để đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập với kinh tế quốc tế.
Bài liên quan
Trong hơn một năm kể từ ngày Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO vào ngày 28/11/2006 và sự kiện Hạ viện Hoa Kỳ phê chuẩn quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam vào ngày 09/12/2006, Việt Nam đã đón nhận rất nhiều dòng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, đồng thời chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng cả về đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, các hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ cả về quy mô và số lượng. Trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ sẽ là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia. Ý thức và hiểu rõ được tầm quan trọng của công nghệ và chuyển giao công nghệ đối với sự phát triển kinh tế đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã và đang luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực này, ngay từ những ngày đầu thực hiện chính sách mở cửa. Việc xây dựng một hệ thống các quy định pháp luật hoàn chỉnh điều chỉnh tổng thể hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ là một nhu cầu tất yếu.
Thông qua cơ chế pháp luật, việc kiểm soát và điều tiết các hoạt động chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện có hiệu quả, góp phần vào việc chọn lọc được các công nghệ tiến bộ có giá trị từ nước ngoài, hạn chế tình trạng chảy máu ngoại tệ do những công nghệ lạc hậu và đồng thời khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ Việt Nam ra nước ngoài.
Ở Việt Nam, nếu tính từ Quyết định số 175-CP ngày 29/04/1981 về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, đã có rất nhiều các văn bản pháp quy được ban hành điều chỉnh các vấn đề về chuyển giao công nghệ, đặc biệt là về hợp đồng chuyển giao công nghệ, ví dụ, Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam ngày 05/12/1981, Bộ luật Dân sự 1995, Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 01/07/1998, Nghị định 11/2005/NĐ-CP ngày 2/02/2005 v.v..., bước đầu đã tạo ra được môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ nói riêng.
Các văn bản pháp luật này, bên cạnh việc quy định điều chỉnh các vấn đề có tính nguyên tắc về chuyển giao công nghệ, đều luôn dành những điều khoản điều chỉnh các vấn đề liên quan hợp đồng chuyển giao công nghệ như nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ, các vấn đề liên quan đến đăng ký đến đăng ký, phê chuẩn hợp đồng chuyển giao công nghệ v.v..., tạo cơ sở pháp lý bảo đảm các quyền và lợi ích của các bên có liên quan trong giao dịch. Tuy nhiên, do thực tiễn và yêu cầu vào thời điểm ban hành các văn bản pháp quy nói trên đã có nhiều thay đổi và không còn phù hợp với hiện tại. Kế thừa và khắc phục các thiếu sót của các quy định pháp luật trước đó, Luật Chuyển giao công nghệ đã được ban hành vào ngày 22/11/2006 và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2007, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.
Nghiên cứu và làm sáng tỏ bản chất các vấn đề liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ - loại hợp đồng có đối tượng rất đặc thù là công nghệ dưới cả góc độ pháp lý và thực tiễn sẽ góp phần làm sáng tỏ nội dung các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về chuyển giao công nghệ, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường chuyển giao công nghệ nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Trong khuôn khổ của chương trình đào tạo cao học luật và tính cấp thiết của các vấn đề như đã trình bày trên đây, người viết đã chọn đề tài "Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành" làm đề tài nghiên cứu của mình.
Luật Vạn Thông st