Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong quản lý hành chính nhà nước


  • khiếu nại hành chính, giải quyết khiếu nại trong quản lý hành chính,khái niệm khiếu nại

VANTHONG LAW - Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 của Luật Khiếu nại 2011, quy định về Khiếu nại:

1. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình."

Bài viết liên quan!
>>> Lao động giúp việc gia đình theo pháp luật lao động Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh
>>> Quản lý nợ công ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế
>>> Công dân có quyền khiếu nại tất cả các quyết định hành chính hay không?
>>> Con gái đã lấy chồng có quyền hưởng thừa kế của bố mẹ ruột?
>>> Giải thích hợp đồng theo pháp luật Việt Nam hiện hành

Nguyên tắc giải quyết

Nguyên tắc giải quyết xử lý đơn khiếu nại phải đảm bảo:

- Xử lý đơn phải đảm bảo chính xác, khách quan.

- Phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

- Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các quyết định hành chính.

Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện khiếu nại.

Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011, người khiếu nại có các quyền và nghĩa vụ sau:

Thứ nhất, người khiếu nại có quyền tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp cá nhân khiếu nại là người già yếu, ốm đau, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan mà không tự mình thực hiện được việc khiếu nại thì có quyền ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột hoặc người khác có đủ năng lực hành vi dân sự thực hiện việc khiếu nại.

Thứ hai, người khiếu nại có quyền nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hay ủy quyền cho họ khiếu nại.

Thứ ba, người khiếu nại có nghĩa vụ khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; có quyền yêu cầu  cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình; có quyền đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó; có nghĩa vụ trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại và chịu trách nhiệm về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu.

Thứ tư, trong trường hợp người khiếu nại thấy việc thi hành quyết định bị khiếu nại có thể gây ra hậu quả khó khắc phục thì có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp, tức là ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định bị khiếu nại.

Thứ năm, người khiếu nại có quyền tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Khi tham gia đối thoại, người khiếu nại (hoặc người được ủy quyền) không chỉ có thêm cơ hội trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của khiếu nại mà còn được lắng nghe người bị khiếu nại trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ chứng minh tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại. Qua đó, họ có thể hiểu rõ hơn về mức độ đúng hay sai trong yêu cầu khiếu nại của mình. Vì vậy, khi kết quả giải quyết khiếu nại không phù hợp yêu cầu của người khiếu nại và họ biết đó là cách giải quyết đúng pháp luật thì họ sẽ không khiếu nại tiếp hay khởi kiện vụ án tại tòa án.

Thứ sáu, sau khi khiếu nại lần đầu, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án để cơ quan có thẩm quyền xem xét lại một lần nữa tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại.

Thứ bảy, sau khi đưa yêu cầu khiếu nại đến người có thẩm quyền, người khiếu nại có quyền rút yêu cầu khiếu nại tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Khi người khiếu nại rút khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, không phụ thuộc vào việc quyết định, hành vi bị khiếu nại có trái pháp luật hay không.

Thứ tám, người khiếu nại có quyền được khôi phục quyền, lợi ích bị xâm hại. Khiếu nại là việc người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật bị cho là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ yêu cầu xem xét lại tính hợp pháp của quyết định, hành vi đó. Vì vậy, quyền được khôi phục quyền, lợi ích bị xâm hại bởi quyết định, hành vi bị khiếu nại là quyền quan trọng nhất.

Thứ chín, người khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành quyết định, hành vi bị khiếu nại và quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

 Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Ngoài các nội dung về thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự, Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp ban hành quy định về “Quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự” có điểm mới về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại quyết định, hành vi của phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên (điểm a khoản 1 Điều 7); thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi của phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên (điểm a khoản 2 Điều 7).

Trình tự thủ tục giải quyết đơn khiếu nại

Theo quy định tại Chương IV về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gồm 03 bước sau:

Bước 1: Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại

- Thụ lý giải quyết khiếu nại;

- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại;

- Giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại.

Bước 2: Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại

- Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại;

- Làm việc trực tiếp với người có quyền, lợi ích liên quan và người bị khiếu nại;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng;

- Xác minh thực tế;

- Trưng cầu giám định;

- Làm việc với các bên có liên quan trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại;

- Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

- Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

- Tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai.

Bước 3: Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại

- Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại;

- Lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Quang Long

 -----------------------



Khách hàng có nhu cầu "Khiếu nại, khởi kiện các quyết định hành chính", vui lòng liên hệ:

SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
Powered by Blogger.