Lao động giúp việc gia đình theo pháp luật lao động Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh.
VANTHONGLAW - Trải qua 40 năm thành phố Hồ Chí Minh được vinh dự mang tên Bác, cùng với truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc vẻ vang, hào hùng. Nay, thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong cả nước trong nhiều lĩnh vực và luôn là vị trí trung tâm của cả nước và khu vực. Nơi đây, cũng chính là nơi khởi xướng cho nhiều chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Bài liên quan
Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân thành phố ngày càng được cải thiện và nâng cao đáng kể. Bên cạnh đó, do áp lực của công việc ngày càng tăng, dẫn đến quỹ thời gian dành cho gia đình bị thu hẹp. Xuất phát từ nhu đó, loại hình lao động giúp việc gia đình ngày càng phổ biến. Những lao động giúp việc gia đình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, giảm bớt gánh nặng công việc trong gia đình, giúp họ có nhiều thời gian hơn dành cho sự nghiệp, học hành, nghỉ ngơi, giải trí...
Nhưng nghề giúp việc gia đình lại không được coi trọng và ít được quan tâm đúng mức, quyền lợi của những người làm nghề giúp việc gia đình chưa được đảm bảo. Từ khi Bộ luật Lao động năm 1994 ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, thì đã có quy định về “lao động giúp việc gia đình” như tại Điều 28, Điều 139 Bộ luật Lao động năm 1994, nhưng còn khá hạn chế, quy định còn chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể. Đến khi ban hành Bộ luật Lao động năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2013, thì đây là lần đầu tiên lao động giúp việc gia đình được công nhận như một nghề chính thức.
Cụ thể, lao động giúp việc gia đình đã được quan tâm hơn và dành hẳn một mục riêng, gồm 5 điều từ Điều 179 đến Điều 183, tại Mục 5, Chương XI, Bộ luật Lao động năm 2012. Tiếp đến, được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình và Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 15 tháng 08 năm 2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.
Qua đó, cho thấy đây là chuyển biến đáng mừng góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động giúp việc gia đình, công nhận “giúp việc gia đình” là một nghề chính thức trong xã hội. Tuy nhiên, người lao động giúp việc gia đình thường phải đối mặt với các nguy cơ như bị mắng chửi, đánh đập, đe dọa, lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục và không được đảm bảo các quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng… từ người sử dụng lao động. Các thực trạng này đang xảy ra rất phổ biến, gây hoang mang, bức xúc dư luận, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp và đang rất được quan tâm tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nói riêng và cả nước nói chung.
Đứng trước thực trạng đó, nên tác giả lựa chọn đề tài: “Lao động giúp việc gia đình theo pháp luật lao động Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình. Từ đó, tìm ra được những thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn, để đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam về lao động giúp việc gia đình.
Luật Vạn Thông st