Pháp luật về tiền lương - Thực trạng áp dụng tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG.
VANTHONGLAW - Pháp luật tiền lương là một bộ phận quan trọng của chính sách kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, tiền lương không chỉ liên quan đến thu nhập và đời sống của người lao động, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến chi phí sản xuất, đến mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật tiền lương đúng đắn, có căn cứ khoa học sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Bài liên quan
Hiện nay, lực lượng lao động của nước ta vào khoảng 43,9 triệu người trong tổng số 85,789 triệu dân số cả nước, người chiếm 51,1%. Trong đó, lực lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng 9,07 %, còn lại chủ yếu là làm việc trong khu vực sản xuất, kinh doanh, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm một tỷ lệ tương đối lớn 96,2%. Trong khu vực sản xuất, kinh doanh đó, ngành Dệt May đóng vai trò quan trọng và được coi là ngành sử dụng một khối lượng lao động khá đông đảo.
Với hơn 2.000 doanh nghiệp, sử dụng hơn 2 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu của ngành này năm 2012 lên tới 10,5 tỷ USD [32]. Chính vì vậy, Dệt May được coi là ngành xuất khẩu mũi nhọn của nền kinh tế và Dệt May cũng được coi là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến. Tuy nhiên, có một thực tế là mức lương của lao động ngành Dệt May hiện nay vẫn được coi là thấp so với những gì mà ngành này mang lại cho nền kinh tế. Mặt khác, trong tổng số những cuộc đình công diễn ra trong những năm qua, đình công trong các doanh nghiệp dệt may chiếm một tỉ lệ lớn, đó chủ yếu là những cuộc đình công về lợi ích, xoay quanh vấn đề tiền lương.
Với một lực lượng lao động làm việc trong khu vực sản xuất, kinh doanh nói riêng và trong lĩnh vực dệt may đông đảo như vậy, đã đặt ra cho chúng ta một thử thách lớn là làm sao và làm như thế nào để ổn định và đáp ứng được vấn đề tiền lương, ổn định cuộc sống cho họ? Bằng cách nào để khuyến khích họ làm việc, đóng góp công sức xây dựng đất nước. Vì vậy, yêu cầu cần được đặt ra là chúng ta cần xây dựng một hệ thống pháp luật tiền lương không chỉ hợp pháp, mà còn phải hợp lý. Bởi lẽ, mức lương hợp lý sẽ góp phần cân bằng quan hệ lao động, khuyến khích người dân vào làm việc tại các doanh nghiệp thay vì làm nghề tự do.
Một chính sách tiền lương hợp lý sẽ vừa tạo sự ổn định trong doanh nghiệp, vừa bảo vệ người lao động trong bối cảnh mối quan hệ cung - cầu lao động đang bị mất cân đối như hiện nay. Bên cạnh đó, tiền lương được điều chỉnh phù hợp sẽ khuyến khích người dân học nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần tăng sức cạnh tranh cho nước ta. Điều này cũng sẽ góp phần cho các doanh nghiệp tháo gỡ nhiều khó khăn trong hoạch định và thực hiện các chiến lược. Có thể thấy, vấn đề tiền lương luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Quốc hội, Chính phủ cho sửa đổi, bổ sung nhiều lần và đã đạt kết quả đáng kể. Song trong nền kinh tế thị trường, thì những quy định của pháp luật về tiền lương hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập cả về quy mô, nội dung và hình thức, đã hạn chế vai trò và động lực của tiền lương, là nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng và cản trở sự phát triển nhanh và ổn định chính trị xã hội của đất nước.
Chính vì vậy, vấn đề tiền lương đòi hỏi cần được nghiên cứu nghiêm túc và toàn diện để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Với mong muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề tiền lương, cũng như việc áp dụng những quy định này tại doanh nghiệp, nên tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài “Pháp luật về tiền lương - Thực trạng áp dụng tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG” để làm Luận văn Thạc sĩ luật học với hy vọng góp một phần nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền lương áp dụng trong các doanh nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Luật Vạn Thông st