Quản lý nợ công ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Quản lý nợ công ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
VANTHONGLAW - Nợ công là khoản nợ do các cơ quan nhà nước vay trong và ngoài nước nhằm trang trải các khoản chi tiêu theo luật định và góp phần thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc vay nợ là hình thức huy động vốn cho phát triển khá phổ biến của mọi quốc gia trên thế giới, về thực chất là mang cầm cố chủ quyền của quốc gia nên nợ công còn gọi là nợ chủ quyền (sovereign debt). Nợ công và quản lý nợ công đang là đề tài nóng, được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn từ phạm vi toàn cầu, châu lục, các liên minh đến các tổ chức quốc tế, cũng như tại từng quốc gia.
Bài liên quan
Với đầy đủ mọi giới, từ các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và công chúng. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Trên thế giới, nợ công và quản lý nợ công đã được nghiên cứu từ lâu nhưng ở Việt Nam chỉ mới được đề cập nhiều trong những năm gần đây, nhất là sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ (2007-2009) và khủng hoảng nợ công châu Âu (2009-2011), khi nợ công đang gia tăng nhanh chóng và sắp vượt ngưỡng an toàn. Quản lý nợ công có vai trò hết sức quan trọng, bởi vì: nếu quản lý nợ công không hiệu quả có thể đưa một nước lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, thậm chí có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ.
Việc giám sát quá trình vay và trả nợ công không chặt chẽ có thể dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng cho nền tài chính quốc gia. Việc sử dụng nguồn vốn vay công kém hiệu quả, sai mục tiêu và sự trì trệ trong thay đổi chính sách để thích nghi với bối cảnh hội nhập quốc tế có thể khiến các nước vay nợ có nguy cơ trở thành những nước mắc nợ trầm trọng. Chính vì vậy, quản lý nợ công như thế nào cho hiệu quả là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Quản lý nợ công trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, huy động được lượng vốn lớn góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công (QLNC) đang từng bước được hoàn thiện, đã huy động được khối lượng vốn lớn bổ sung cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, sử dụng vốn vay về cơ bản đúng mục đích và có hiệu quả, Chính phủ vẫn kiểm soát nợ công trong giới hạn cho phép, cho đến nay đã bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia; công tác giám sát, quản lý rủi ro, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về nợ công được chú trọng, đẩy mạnh, hiệu quả và thường xuyên hơn ở tất cả các cấp; vốn vay nước ngoài về cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh CP được thực hiện chặt chẽ, thận trọng hơn; Việt Nam đến nay đã phát hành được năm số Bản tin về nợ công.
Tuy nhiên, thực tiễn QLNC ở Việt Nam còn bộc lộ nhiều bất cập cần phải sớm khắc phục, như: quy định về QLNC được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo; phạm vi nợ công chưa phản ánh đúng bản chất từng khoản nợ và còn khác biệt so với thông lệ quốc tế; chưa xác định rõ ràng các mục tiêu, công cụ quản lý nợ để quản lý nợ chủ động, các loại trần nợ công chưa được xác định khoa học; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm QLNC còn phân tán, hiệu lực thấp; tốc độ gia tăng nợ công nhanh tác động tiêu cực tới việc đảm bảo an toàn nợ trong lúc hiệu quả sử dụng vốn của khu vực công thấp và chậm được cải thiện; công tác quản lý rủi ro còn nhiều hạn chế, cơ cấu nợ công tiềm ẩn các loại rủi ro; việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quyết toán và báo cáo về nợ công chưa được chú trọng đúng mức; hệ thống thông tin, số liệu về nợ công chưa được cập nhật thường xuyên; chế độ báo cáo chưa chấp hành đầy đủ, chậm so với yêu cầu và chất lượng không cao.
Nợ công Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, năm 2010 đạt 56,3%GDP (889 nghìn tỷ VNĐ) đến cuối năm 2017 nợ công đã tăng lên 61,3%GDP (3,1 triệu tỷ VNĐ), tình trạng ngân sách liên tục bị thâm hụt, hiệu quả đầu tư công thấp, chỉ số ICOR tuy có được cải thiện (6,91 giai đoạn 2011 - 2017 so với 6,96 giai đoạn 2006 -2010) nhưng vẫn ở mức cao, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế sụt giảm so với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Nợ công hiện đang huy động dưới nhiều hình thức, trong đó việc phát hành trái phiếu chính phủ đang tạo ra sự lo ngại cả về quy mô huy động, lãi suất cũng như kỳ hạn.
Trong khi nhu cầu đầu tư không ngừng mở rộng với hàng loạt các dự án lớn sắp triển khai: sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam, các dự án giao thông đô thị, hay các đề án về Giáo dục, Y tế, Văn hóa-xã hội và khoản chi phí rất lớn để cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam do đã “tốt nghiệp” IDA (7/2017) nên thời gian tới sẽ phải vay nợ nước ngoài dưới hình thức ưu đãi và thương mại với chí phí cao hơn, song tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như tình trạng thua lỗ, tham nhũng tại các dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn ít biến chuyển. Nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, phát triển chưa bền vững.
Bối cảnh này đã đặt ra cho công tác QLNC nhiệm vụ rất khó khăn, đó là vừa phải huy động đủ nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế vừa phải đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đã diễn ra trên 20 năm và ngày càng sâu, rộng sẽ tác động rất lớn đến nền KT-XH nói chung, cũng như an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia nói riêng, trong đó nợ công là vấn đề then chốt. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy QLNC của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập, chưa theo kịp những chuẩn mực quốc tế, chưa xây dựng được một hệ thống QLNC có hiệu lực, hiệu quả. Ở Việt Nam, QLNC là lĩnh vực mới mẻ cả về lý luận và thiếu kinh nghiệm thực tiễn.
Vì vậy, việc nghiên cứu cơ sở lý luận khoa học, đúc rút các kinh nghiệm QLNC tốt trên thế giới, cũng như phân tích, đánh giá thực trạng QLNC của nước ta trong giai đoạn vừa qua, không chỉ có ý nghĩa mang tính học thuật mà còn có ý nghĩa thực tiễn cấp bách. Để làm rõ, tôi chọn đề tài:“Quản lý nợ công ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế” để nghiên cứu làm đề tài luận án tiến sĩ, chuyên ngành quản lý kinh tế (QLKT) với mong muốn góp phần nhỏ vào việc tìm lời giải cho vấn đề này.
Luật Vạn Thông st