Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất.
Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất.
VANTHONGLAW - Tổ chức kinh tế là lượng lực nòng cốt có vai trò rất quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của tổ chức kinh tế, đất đai có ý nghĩa quan trọng đặc biệt; bởi lẽ, đất đai là một trong những yếu tố đầu vào không thể thiếu được của quá trình sản xuất.
Bài liên quan
Nó tạo cơ sở nền tảng, địa bàn xây dựng nhà xưởng, kho tàng, không gian… cho hoạt động của tổ chức kinh tế. Việc tổ chức kinh tế tiếp cận đất đai dễ dàng, thuận lợi hay khó khăn có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta. Do tính đặc thù của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nên việc tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế được thực hiện thông qua việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Kể từ đây, quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất được hình thành. Chế định quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất là một trong những nội dung cơ bản của pháp luật đất đai.
Các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất được đề cập chi tiết, cụ thể kể từ khi Luật đất đai năm 1993 ra đời và đặc biệt là từ khi Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất ngày 14/10/1994 được ban hành. Chế định này tiếp tục được kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ra đời các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất.
Đặc biệt, các quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức kinh tế trong tiếp cận đất đai sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh, dịch vụ mà còn góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản hoạt động theo hướng công khai, minh bạch và lành mạnh. Mặc dù, Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những sửa đổi, bổ sung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất nhằm đáp ứng đòi hỏi của hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật đất đai năm 2003 cho thấy vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của tổ chức kinh tế; trong đó, bất cập dễ nhận thấy nhất là sự không bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa tổ chức kinh tế với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.
Điều này thể hiện:
i) Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; trong khi đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
ii) Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất khi sử dụng đất vào mục đích sản xuất - kinh doanh. Ngược lại, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam không được Nhà nước Việt Nam giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Hơn nữa, đạo Luật này chưa có đầy đủ các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế khi cổ phần hóa hoặc chia tách, sáp nhập v.v... Bên cạnh đó, mặc dù Luật đất đai năm 2003 quy định tổ chức kinh tế sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được bán, tặng cho, cho thuê lại, thế chấp và góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất. Song trên thực tế, tổ chức kinh tế sử dụng đất theo hình thức này vẫn chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa hoặc chia tách, sáp nhập…
Những hạn chế, bất cập này đã được Luật đất đai năm 2013 từng bước khắc phục. Luật đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2014 đã kế thừa, bổ sung và hoàn thiện chế định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất. Đạo luật này đang được các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện. Song một vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng cơ chế thực thi có hiệu quả Luật đất đai năm 2013 nói chung và các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất nói riêng.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu một cách có hệ thống chế định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất là cần thiết cả trên phương diện lý luận và thực tiễn không những góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ chế bảo đảm thi hành Luật đất đai năm 2013 mà còn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ sở lý luận về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất dưới khía cạnh luật học. Với các lý do cơ bản trên đây, tôi lựa chọn đề tài "Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất" làm luận án tiến sĩ Luật học.
Luật Vạn Thông st