Quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Quân khu 1.
VANTHONGLAW - Luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan trọng của quá trình áp dụng Luật Hình sự. Hiến pháp năm 2013 và BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 (sắp có hiệu lực thi hành) quy định “chỉ có Toà án mới có quyền quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt”. Theo đó, Toà án nhân danh Nhà nước, căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự tuyên bố áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
Điều này thể hiện sự thái độ, quan điểm của Nhà nước đối với người phạm tội về việc thực hiện tội phạm. Quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt có vai trò vô cùng to lớn, bởi suy cho cùng, các hoạt động tố tụng hình sự trước đó (từ khởi tố, điều tra, truy tố, kể cả việc tranh tụng tại phiên toà) hoặc các hoạt động tố tụng tiếp theo như thi hành án ý nghĩa nếu Toà án không làm tốt việc quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt. Quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng và hợp lý là tiền đề, điều kiện để đạt mục đích hình phạt (cải tạo, giáo dục, phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng).
Nếu hình phạt quá nhẹ sẽ làm giảm ý nghĩa phòng ngừa của hình phạt, bởi nó có thể làm phát sinh ý định phạm tội, thái độ vô trách nhiệm và coi thường pháp luật. Nhưng hình phạt quá nặng sẽ tạo tâm lý không công bằng, không hợp lý ở người bị kết án dẫn đến thái độ oán hận, không tin tưởng pháp luật. Hình phạt có đạt mục đích hay không và đến mức độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố quan trọng nhất là yếu tố lập pháp và áp dụng pháp luật (về hình phạt và quyết định hình phạt).
Yếu tố áp dụng pháp luật chịu sự ràng buộc của yếu tố lập pháp. Ngược lại, yếu tố áp dụng pháp luật cũng có vai trò rất quan trọng, bởi vì chỉ trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng đắn pháp luật cho từng trường hợp phạm tội cụ thể thì Toà án mới có thể ban hành một bản án tuyên hình phạt đúng đắn và có hiệu quả, khi đó, các yếu tố về mặt lập pháp mới có ý nghĩa thực tiễn. Thực tiễn xét xử những năm qua của các Toà án quân sự Quân khu 1 cũng cho thấy rằng việc quyết định hình phạt (bao gồm cả tổng hợp hình phạt) của Toà án là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, cũng có không ít những bất cập, vướng mắc trong các quy định của Bộ luật Hình sự cũng như nhận thức thống nhất các quy định của Bộ luật và các yếu tố tác động khác làm cho việc quyết định hình phạt cũng có những sai sót nhất định. Nhận thức được tầm quan trọng đó, tác giả đã chọn đề tài “Quyết định hình phạt và tổng hợp hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Quân khu 1” làm luận văn thạc sĩ.
Luật Vạn Thông st