So Sánh Pháp Luật Việt Nam Và Malaysia Về Mô Hình Quản Lý Tài Sản Của Các Tổ Chức Tín Dụng.
VANTHONGLAW - Luật các TCTD 2010 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16-6-2010, có hiệu lực từ ngày 01- 01-2010 đã quy định rất rõ về các hoạt động của TCTD, theo đó gồm các hoạt động cơ bản: nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu; Cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay, chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá, bảo lãnh ngân hàng, phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán; mở tài khoản thanh toán; cung ứng dịch vụ thanh toán và một số hoạt động mang tính chất đầu tư.
Bài liên quan
>>> Quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam hiện nay.
>>> Tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi và bí mật của công ty
>>> Có được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ không?
>>> Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có phải "sang tên" cho doanh nghiệp không?
>>> Loại website nào phải được cấp phép theo quy định pháp luật?
Bản chất đặc thù trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là kinh doanh tiền tệ, tìm kiếm lợi nhuận giữa chi phí huy động vốn và hoạt động cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, bao thanh toán, chiết khấu…), do vậy, có thể thấy bên cạnh một số hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn thì hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng được coi là hoạt động truyền thống cốt lõi mang lại lợi nhuận chủ đạo cho các tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của bản thân tổ chức tín dụng mà sự sụp đổ của một tổ chức tín dụng còn làm ảnh hướng đến cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Theo chu kỳ phát triển mang tính quy luật, sự phát triển mạnh của hoạt động cấp tín dụng trong một thời gian nhất định sẽ đem lại những hệ quả tích cực và tiêu cực tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Bên cạnh những tác động tích cực là cung ứng vốn cho kinh tế, giải quyết nhu cầu và đáp ứng sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng của khách hàng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển thì những hệ quả tiêu cực do hoạt động cấp tín dụng mang lại không hề nhỏ nếu việc cấp tín dụng không được kiểm soát một cách cẩn trọng và phòng ngừa rủi ro ở mức cao nhất. Hệ quả tiêu cực có tác động trực tiếp đến nền kinh tế chính là “Nợ xấu”.
Thực tế hiện nay, nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng. Nợ xấu được ví như căn bệnh ung thư quái ác. Nếu phát hiện chữa trị sớm thì cơ hội xử lý cao, còn càng để muộn thì càng khó cứu chữa. Xuất phát từ thực trạng Nợ xấu ngày càng phát triển đã tạo các tiền đề dẫn đến sự hình thành các biện pháp xử lý nợ xấu với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp nhất, vừa đảm bảo hoạt động an toàn cho hệ thống các định chế tài chính, vừa đảm bảo các định chế tài chính có đủ sức khỏe, thanh khoản tốt để không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế và xã hội.
Trong rất nhiều các biện pháp, chính sách của chính phủ hỗ trợ ngành ngân hàng xử lý nợ xấu thì giải pháp của việc thành lập một công ty xử lý nợ xấu tập trung của toàn hệ thống ngân hàng trở thành một trong những biện pháp hữu hiệu. Sự ra đời của mô hình công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng xuất phát từ chính quá trình phát triển rầm rộ về quy mô của nợ xấu, mô hình công ty này đã và đang được nhiều quốc gia thử nghiệm áp dụng và có thể nói ở mức độ nào đó đã góp phần không nhỏ cho việc giảm tỷ lệ nợ xấu, ổn định hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Mỗi quốc gia sẽ căn cứ thực tiễn cơ cấu, tổ chức và hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng, chiến lược phát triển kinh tế của mình và mục tiêu xử lý nợ xấu để lựa chọn mô hình tổ chức cũng như hoạt động của công ty quản lý tài sản phù hợp. Do đó, không có một tiêu chuẩn cũng như mô hình thống nhất về loại hình công ty này. Trên thực tế, không chỉ các nước trong khu vực châu Á thành lập các công ty quản lý tài sản mà ngay cả nước phát triển như Mỹ và các nước Mỹ La tinh cũng có các công ty chuyên về xử lý nợ xấu của ngân hàng. Một số quốc gia đã triển khai mô hình công ty xử lý nợ xấu như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…., mỗi mô hình hoạt động có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
Từ những ưu điểm và hạn chế của các mô hình công ty quản lý tài sản đã triển khai trên thế giới, Việt Nam đã rút kinh nghiệm và học hỏi để xây dựng một mô hình công ty quản lý tài sản của các TCTD phù hợp với đặc điểm kinh tế, chính trị cũng như hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và hoạt động tích cực của VAMC trong việc xử lý nợ xấu. VAMC được ví như một công cụ đặc biệt của Nhà nước góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Nghị quyết số 53/2013/QH13 ngày 11/11/2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã quy định những nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo, điều hành để tăng ổn định vững chắc kinh tễ vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó bao gồm việc xử lý cơ bản nợ xấu của doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng.
Với nội dung Nghị quyết này, vai trò của VAMC thực sự quan trọng để thực hiện định hướng trên và đảm bảo cơ sở pháp lý đẩy nhanh tiến độ xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Tác giả chọn đề tài này với mục đích đưa ra một cách nhìn toàn diện về hoạt động của VAMC (từ bối cảnh thành lập, vốn, mục tiêu hoạt động, nguyên tắc hoạt động; cơ cấu tổ chức, các hoạt động kinh doanh cho đến phương thức mua bán nợ xấu…) và có so sánh, phân biệt với hoạt động của Công ty Quản lý tài sản quốc gia Danaharta (Malaysia) – một mô hình công ty xử lý nợ xấu tương tự như VAMC để rút ra bài học kinh nghiệm từ thành công của mô hình Danaharta; đồng thời nhìn nhận thực trạng, thành tựu kết quả hoạt động và vướng mắc của VAMC qua hơn 1 năm đi vào hoạt động. Trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như thúc đẩy hoạt động hiệu quả cho VAMC.
Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam chưa thực sự phục hồi, bài toán xử lý nợ xấu vẫn là mục tiêu cấp thiết quan tâm hàng đầu của toàn bộ hệ thống ngân hàng thì vấn đề tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, giải quyết các vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình hoạt động của VAMC là một vấn đề hết sức quan trọng. Nghiên cứu vấn đề này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu trên.
Luật Vạn Thông st