Các điều kiện đối với cá nhân khi hoạt động từ thiện
VANTHONGLAW - Sau hàng loạt những lùm xùm về hoạt động tự thiện của giới nghệ sỹ Việt Nam, tạo nên một cơn sóng dư luận vô cùng lớn về chủ đề “Sao kê” và đi kèm với hàng loạt các câu từ “Kém sang” trên mạng xã hội, nơi tập trung hầu như mọi độ tuổi từ trẻ em đến người lớn.
Tránh cho cơn sóng trên ngày càng đi xa và vượt ngoài tầm kiểm soát, các cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc để điều tra làm rõ. Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 93 thay thế cho nghị định 64/2008 với những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của cá nhân.
1. Điều kiện đối với cá nhân kêu gọi từ thiện
Tại điểm h khoản 1 Điều 2 của Nghị định 93 quy định:
“h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tại, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bện nhân mắc bệnh hiểm nghèo.”
Quy định mới này đã rõ ràng hơn và tạo điều kiện cho cá nhân có thể thực hiện việc kêu gọi từ thiện, thay vì chỉ có các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ,... như ở Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
2. Cụ thể, rõ ràng và cam kết về thời gian giải ngân từ thiện
Tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 93 quy định khi cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp, phải có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối.
Quy định này yêu cầu cá nhân tiếp nhận nguồn tiền từ thiện phải có trách nhiệm công khai rõ các thủ tục về tài khoản nhận tiền và nới nhận hiện vật đặc biệt yêu cầu phải có cam kết về thời gian phân phối số tiền từ thiện, điều này nhầm mục đích tránh việc thiên tai,lũ lụt,dịch bệnh,...đã qua lâu nhưng tiền từ thiện vẫn chưa được chuyển đi.
Bên cạnh đó UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ đễ theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
3. Phải mở tài khoản riêng để tiếp nhận tiền từ thiện
Đây là một yêu cầu quan trọng đối với cá nhân kêu gọi từ thiện. Theo khoản 2 Điều 17 của Nghị định 93, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu.
Đặc biệt, sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận quyên góp đã cam kết, không được phép tiếp nhận thêm tiền ủng hộ và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận tiền ủng hộ.
4. Phải thông báo với chính quyền nơi đến từ thiện
Khoản 1 Điều 18 của Nghị định 93 yêu cầu cá nhân vận động từ thiện đều phải thông báo đến UBND nơi tiếp nhận để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể.
Như vậy, mọi hoạt động từ thiện không thông qua chính quyền địa phương đều được coi là vi phạm quy định tại Nghị định này.
5. Phải ghi chép đầy đủ thông tin về việc phân phối tiền từ thiện
Đây là yêu cầu được nêu tại khoản 3 Điều 19 Nghị định 93, cụ thể: Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ… và công khai trên phương tiện truyền thông. Đồng thời, phải gửi kết quả bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban trong vòng 30 ngày.
Ngoài ra, cá nhân còn phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Quang Long