Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam.
Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng theo pháp luật Việt Nam.
VANTHONGLAW - Thờ cúng tổ tiên, người đã khuất là một trong những truyền thống quý báu và đặc sắc của người Việt Nam. Truyền thống này có nguồn gốc từ xa xưa và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Thông qua việc thờ cúng, những người còn sống thể hiện sự thương tiếc, hiếu nghĩa và kính trọng với người đã khuất từ xa xưa cả trăm năm, ngàn năm hoặc chỉ vừa mới qua đời vài năm hay vài chục năm.
Bài liên quan
Trong các thời kỳ chế độ quân chủ Việt Nam trước đây, vấn đề thờ cúng tổ tiên là một điều bắt buộc và được quy định chính thức, cụ thể, kỹ lưỡng trong một số luật cổ như Quốc triều hình luật đời nhà Hậu Lê, Hoàng Việt luật lệ thời Nhà Nguyễn, trong các Bộ luật dân sự thi hành tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ nói chung trước ngày 02/9/1945. Qua đó, chúng ta nhận thấy được theo quan điểm lập pháp trước đây, thờ cúng là vấn đề cực kỳ quan trọng và phải được quy định cụ thể trong luật xưa với mục tiêu truyền tải nghĩa vụ thờ cúng đến vĩnh viễn. Tuy nhiên, kể từ sau ngày 02/9/1945, Việt Nam bước vào một giai đoạn mới với việc đề cao quyền công dân, “dân làm chủ” đã đòi hỏi chúng ta phải có những nhìn nhận, đánh giá về những quy định cũ xưa có còn phù hợp và cần được duy trì trong thời đại mới hay không?
Do đó, sau khi đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, Việt Nam lần lượt ban hành các Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015. Cả ba Bộ luật dân sự đều quy định về việc thờ cúng thông qua tên gọi của quy định này là "Di sản dùng vào việc thờ cúng". Tuy nhiên, cả ba Bộ luật dân sự đều chỉ dành duy nhất một điều luật để điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc thờ cúng, mặc dù trong thực tiễn, vấn đề này bao gồm rất nhiều vấn đề khác nhau chưa được quy định cụ thể, như: xác định một phần di sản dùng vào việc thờ cúng là bao nhiêu, quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng, khi nào thì di sản dùng vào việc thờ cúng bị chấm dứt, di sản thờ cúng có khác với di sản thường không…
Với chỉ một điều luật duy nhất quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đã khiến cho một vấn đề quan trọng của xã hội vừa mang tính truyền thống đặc sắc cần được duy trì, vừa mang yêu cầu phải được quy định phù hợp trong thời đại mới chưa có những quy định cụ thể để điều chỉnh. Tiếp theo, không có điều luật riêng nào trong cả ba Bộ luật dân sự có quy định cụ thể về vấn đề chấm dứt việc thờ cúng đối với tất cả các loại di sản dùng vào việc thờ cúng.
Cả ba Bộ luật dân sự đều có đoạn thứ 3 thuộc Khoản 1 quy định về trường hợp có khả năng dẫn đến chấm dứt di sản thờ cúng. Đây là căn cứ chấm dứt duy nhất được quy định trong luật nhưng còn nhiều vấn đề mà điều luật này chưa quy định rõ ràng, thậm chí chưa phù hợp với tập quán về di sản thờ cúng. Đặc biệt, khi pháp luật không điều chỉnh những vấn đề về hệ quả khi chấm dứt sử dụng di sản dùng vào việc thờ cúng, sẽ dẫn đến việc phát sinh tranh chấp giữa những người thừa kế, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hoặc đăng ký quyền sở hữu.
Quan trọng hơn hết, xuất phát từ bản chất thiêng liêng và nhân văn của việc thờ cúng, từ một truyền thống thờ cúng tổ tiên tốt đẹp cần được duy trì và phát huy, lại dẫn đến một hệ quả tranh chấp, khiếu kiện giữa chính những người cùng dòng máu, cùng tổ tiên. Khi vấn đề này xảy ra, xã hội không những bất ổn mà một truyền thống tốt đẹp của dân tộc còn có nguy cơ bị mai một, mất đi ý nghĩa cao quý từ đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.
Chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng nghĩa là gì?
Theo “Từ điển Tiếng Việt phổ thông” do Viện Ngôn ngữ học xuất bản, chấm dứt là động từ với ý nghĩa “làm cho ngừng hẳn lại” và đồng nghĩa với động từ kết thúc. Với động từ “kết thúc” mang ý nghĩa là: hết hẳn, ngừng hoàn toàn sau một quá trình hoạt động, diễn biến nào đó hay làm tất cả những gì cần thiết để đi đến kết thúc. Theo sự diễn giải trên, có thể nhận thấy chấm dứt thể hiện việc dừng hẳn, kết thúc, không còn nữa một sự vật hay sự việc đang tồn tại trong xã hội và chấm dứt thể hiện sự vật, sự việc đã từng tồn tại, từng được thực hiện thì nay sẽ không còn tồn tại, không còn được thực hiện nữa.
Vậy, nếu xét vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng, cần hiểu rằng khi đó DSDVVTC sẽ trở thành tài sản thông thường và được định đoạt theo quy định của pháp luật hoặc không còn tồn tại nữa. Những tác động để dẫn đến sự chấm dứt này có thể từ yếu tố tự nhiên hoặc từ tác động của quy định pháp luật hiện hành, và những người có trách nhiệm thờ cúng vẫn còn sống, cũng như tài sản vẫn còn đủ khả năng để tiếp tục sử dụng cho mục đích thờ cúng.
Với khái niệm về sự chấm dứt nêu trên, có thể hiểu trong trường hợp đối với DSDVVTC, thì việc thờ cúng và sử dụng một hoặc nhiều di sản cho mục đích thờ cúng là một quá trình hoạt động, diễn biến đang diễn ra và sẽ kết thúc bằng một sự tác động hay phải trải qua một quá trình tác động từ tự nhiên hoặc pháp lý để đi đến sự kết thúc dùng một di sản bất kỳ vào việc thờ cúng. Di sản dùng vào việc thờ cúng dù chấm dứt theo trường hợp nào nêu trên cũng liên quan đến hai vấn đề quan trọng nhất: căn cứ chấm dứt và hệ quả chấm dứt.
Vì để không tiếp tục sử dụng cho mục đích thờ cúng nữa, bắt buộc phải có một sự tác động lên di sản thờ cúng và sự tác động này có thể từ tự nhiên mang yếu tố khách quan, từ quy định của pháp luật hay từ ý chí định đoạt của những người có liên quan với người tạo lập di sản dùng cho mục đích thờ cúng. Tổng hợp những yếu tố này chính là căn cứ để dẫn đến việc chấm dứt sử dụng vào mục đích thờ cúng của di sản. Tương tự như các vấn đề pháp lý khác, khi đã có căn cứ để chấm dứt việc dùng di sản cho mục đích thờ cúng và những căn cứ này hợp lý, đúng quy định pháp luật thì chắc chắn sẽ có hệ quả xảy ra đối với DSDVVTC.
Hơn nữa, chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng không đồng nghĩa với việc chấm dứt việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, tiền nhân mà chỉ có nghĩa hẹp hơn là chấm dứt sử dụng những vật, tập hợp những đồ vật, đồ dùng… đã từng dành cho mục đích thờ cúng. Việc thờ cúng sẽ chuyển sang một hình thức, cách thức khác và di sản động sản này sẽ không còn bị ràng buộc chỉ dành cho mục đích thờ cúng nữa và nếu không bị phá hủy, di sản sẽ trở thành tài sản thông thường và không còn thuộc trường hợp “không được chia thừa kế” như quy định tại Điều 645 BLDS 2015.
Như vậy, chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng là việc không tiếp tục dùng di sản cho mục đích thờ cúng khi có những căn cứ hợp pháp, di sản thờ cúng trở thành tài sản thông thường hoặc bị phá hủy và được điều chỉnh theo quy định chung của pháp luật.
Hệ quả của việc chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng
Thông qua sự hình thành và phát triển của chế định thừa kế trong các bộ cổ luật, luật cận đại trong xuyên suốt lịch sử lập pháp của dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy được tầm quan trọng của việc duy trì một khối tài sản được gọi là hương hỏa và ngày nay pháp luật dân sự hiện gọi là di sản dùng vào việc thờ cúng. Thực tế, tên gọi di sản dùng vào việc thờ cúng chưa thể hiện hết đầy đủ bản chất, đặc tính, đặc điểm, quy mô, tầm vóc của loại tài sản đã có truyền thống xác lập và duy trì qua hàng trăm năm dựng nước, giữ nước của người Việt. Đồng thời, theo tập quán và cổ luật, di sản này dù là “bất khả xâm phạm” nhưng vẫn được quy định cụ thể trường hợp sẽ chấm dứt sử dụng vào việc thờ cúng.
Tuy nhiên, pháp luật dân sự hiện đại chưa quy định đầy đủ các vấn đề pháp lý về loại di sản đặc biệt này, dẫn đến vấn đề chấm dứt sử dụng di sản vào việc thờ cúng cũng không được quy định trong các văn bản pháp luật. Trong tình hình hiện tại, Bộ luật dân sự năm 2015 đã giải quyết được rất nhiều vấn đề của xã hội dân sự và tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để bảo đảm xã hội vận hành có trật tự, hệ thống.
Do đó, dù vẫn còn bất cập khi chưa có đầy đủ các điều luật quy định về di sản thờ cúng, đặc biệt là vấn đề chấm dứt của loại di sản này, nhưng Bộ luật dân sự năm 2015 cần tiếp tục duy trì và chỉ cần Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét ban hành một Nghị quyết hướng dẫn riêng, cụ thể đối với loại di sản đặc biệt nhưng cũng rất đặc thù của pháp luật thừa kế Việt Nam là đủ. Việc ban hành một Nghị quyết cũng phù hợp với thông lệ hoàn thiện, phát triển và điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật Việt Nam.
Khi được ban hành, Nghị quyết sẽ là văn bản pháp lý hướng dẫn các vấn đề chưa rõ ràng cũng như nêu bật lên vị trí, vai trò và tầm vóc của di sản dùng vào việc thờ cúng, thể hiện rõ nét sự hài hòa giữa áp dụng tập quán pháp và pháp luật trong thực tiễn xã hội, đồng thời hạn chế những tranh chấp phát sinh liên quan đến một trong những loại tài sản mang ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, nhân văn và vẫn cần thiết phát huy giá trị trong xã hội Việt Nam hôm nay.
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:
Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG