BÀI 1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ THƯ VIỆN VÀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC.
VANTHONGLAW - Để có kết quả thi tuyển dụng viên chức tốt nhất cho vị trí nhân viên thư viện trường học, bạn có thể tham khảo các nội dung bài viết dưới đây để bổ sung, củng cố kiến thức chuyên ngành thư viện trong lĩnh vực thư viện trường học dành cho mình. Nếu có thắc mắc, khó khăn gì về nghiệp vụ thư viện trường học, bạn hãy truy cập Nhóm Facebook "Hội THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC" để cùng chia sẻ, tìm giải đáp cùng các đồng nghiệp của mình nhé!
BÀI 1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ THƯ VIỆN VÀ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC.
1. Khái niệm.
Tổ chức UNESCO định nghĩa về thư viện như sau: “ Thư viện, không phụ thuộc vào tên gọi của nó, là bất cứ bộ sưu tập có tổ chức nào của sách, ấn phẩm định kỳ hoặc các tài liệu khác, kể cả đồ hoạ, nghe nhìn, và nhân viên phục vụ có trách nhiệm tổ chức cho bạn đọc sử dụng các tài liệu đó nhằm mục đích thông tin, nghiên cứu khoa học, giáo dục hoặc giải trí”.
2. Những yếu tố cấu thành.
a. Vốn tài liệu.
Đây là yếu tố đầu tiên của thư viện. Vốn tài liệuc ảu một thư viện chính là tài sản quý giá, là tiềm lực, là sức mạnh và niềm tự hào của thư viện đó. Vốn tài liệu càng phong phú thì khả năng đáp ứng nhu cầu đọc càng lớn và do vậy càng có sức lôi cuốn đối với bạn đọc. Trong công tác hàng ngày của cán bộ thư viện, tài liệu là đối tượng bổ sung, tổ chức kho, tuyên truyền trong bạn đọc và đưa ra sử dụng chúng.
Nó là vật trung gian giữa bạn đọc, cán bộ thư viện và cơ sở vật chất. Tài liệu là đối tượng lưu giữ và bảo quản của cơ sở vật chất - kỹ thuật, là mục đích phát triển và tồn tại của nó. Vốn tài liệu càng phát triển thì cơ sở vật chất càng phải được tăng cường, mở rộng.
b. Cán bộ thư viện.
Cán bộ thư viện thực hiện những nhiệm vụ rất phức tạp:
- Trong mối quan hệ với tài liệu: Chọn lựa và bảo quản tài liệu, sắp xếp chúng có chuyên môn theo một trật tự nhất định.
- Trong mối quan hệ với cơ sở vật chất kĩ thuỵât: Cán bột hư viện tiến hành trang bị chuyên biệt cho các diện tích và luôn giữ cho cơ sở vật chất kĩ thuật ở tình trạng tốt nhất.
- Trong mối quan hệ với bạn đọc: Cán bộ thư viện không chỉ tuyên truyền tích cực cho các tài liệu phù hợp với nhu cầu của họ, hướng dẫn đọc, nghiên cứu nhu cầu đọc mà còn tạo ra các dịch vụ thoả mãn các nhu cầu đó…
Vì thế, không thể chỉ coi cán bộ thư viện là cầu nối trung gian giữa sách và bạn mà còn là trung gian giữa bạn đọc với bạn đọc, giữa tài liệu với tài liệu, giữa tài liệu với cơ sở vật chất kĩ thuật, giữa các yếu tố cơ sở vật chất với nhau và giữa cơ sở vật chất với bạn đọc…
c. Người dùng tin.
Thư viện chỉ trở thành thư viện khi nào nó bắt đầu phục vụ bạn đọc. Chính bạn đọc đã đưa toàn bộ cơ chế của các mối quan hệ lẫn nhau giữa vốn tài liệu, cán bộ thư viện, cơ sở vật chất kĩ thuật vào hoạt động hay nói cách khác, bạn đọc là người trung gian giữa các mắt xích trên. Phục vụ bạn đọc là khâu cuối cùng mà tất cả các thư viện hướng tới.
Càng phục vụ được nhiều bạn đọc thì vai trò xã hội của thư viện càng lớn. Ngược lại, nếu không có bạn đọc thì thư viện cũng mất luôn mục đích tồn tại của mình. Đồng thời, bạn đọc là người dùng tin có thể sử dụng các tài liệu được cán bộ thư viện chọn lựa và phản ánh trong các diện tích đã được trang bị riêng.
d. Cơ sở vật chất- kĩ thuật.
Cơ sở vật chất kĩ thuật bao gồm các phòng, diện tích dành riêng cho thư viện với toàn bộ trang thiết bị của chúng. Chúng có vai trò rất quan trọng: Đối với tài liệu: Cơ sở vật chất là nơi chứa và bảo quản tài liệu.
- Đối với bạn đọc: Đây là nơi họ làm việc với tài liệu, tiếp xúc với các nguồn thông tin trong nước và trên thế giới, là nơi gặp gỡ, trao đổi về những gì đã đọc hoặc các thông tin khác với bạn bè, đồng nghiệp.
- Đối với cán bộ thư viện: Đây là nơi họ thể hiện vai trò của mình, là nơi họ cống hiến và vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc. Một thư viện với những dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của họ, tạo uy tín lớn cho bạn đọc và trong xã hội sẽ giúp cán bộ thư viện làm tốt hơn công tác của mình, say mê với công việc và sáng tạo hơn.
Chức năng và nhiệm vụ của thư viện.
Chức năng của thư viện.
a. Giáo dục:
- Thư viện là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, có trách nhiệm cung cấp cho bạn đọc với bất cứ trình độ văn hoá nào những phương tiện để tự học, tự nghiên cứu và tự hoàn thiện mình, xoá bỏ mọi ngăn cách trên con đường con người đạt đến tri thức được phản ánh trong tài liệu.
- Thư viện góp phần nâng cao trình độ dân trí, chuyên môn cho các tầng lớp nhân dân ở địa phương.
b. Thông tin.
Thông tin là các tin tức, dữ liệu, khái niệm, tri thức giúp tạo nên sự hiểu biết của con người về một đối tượng, hiện tượng, vấn đề nào đó. Các thông tin này được lưu giữ trên các vật mang tin khác nhau và được gọi chung là tài liệu. Thư viện tiến hành các công việc nhằm tạo lập, bảo quản, tìm, xử lý và phổ biến thông tin nghĩa là thư viện đã trở thành một cơ quan thông tin thực thụ.
Thư viện còn áp dụng các phương tiện tin học và viễn thông vào công tác của mình, biến mình thành cơ quan dạng thức mới, hoạt động theo chế độ tự động hoá. Thư viện không chỉ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về khoa học kỹ thuật, đời sống xã hội, mà còn cung cấp các thông tin hàng ngày, thông tin thư mục, thông tin chính văn…
c. Văn hóa.
Chức năng này của thư viện được thể hiện ở hai khía cạnh:
- Thu thập, bảo quản và truyền bá di sản văn hoá của nhân loại cũng như của đất nước được lưu giữ trong tài liệu.
- Trở thành một trong những trung tâm chủ yếu của sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về các loại hình nghệ thuật và lôi cuốn quảng đại quần chúng tham gia vào hoạt động sáng tạo.
d. Giải trí.
Thư viện cung cấp sách và các phương tiện khác cho bạn đọc để bạn đọc giải trí. Nhiều thư viện đã trang bị các phương tiện nghe nhìn, các tài liệu đa phương tiện để phục vụ người dùng tin.
Nhiệm vụ của thư viện.
- Đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong việc sử dụng vốn tài liệu của thư viện và tham gia các hoạt động do thư viện tổ chức.
- Thu thập, bổ sung và xử lí nghiệp vụ vốn tài liệu; bảo quản vốn tài liệu, thanh lọc ra khỏi kho các tài liệu lạc hậu, hư nát theo quy chế của thư viện.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, giới thiệu vốn tài liệu thư viện, tham gia xây dựng và hình thành thói quen đọc sách, báo trong nhân dân.
- Xử lí thông tin, biên soạn các ấn phẩm thông tin khoa học.
- Thực hiện liên thông giữa các thư viện trong nước, hợp tác trao đổi vốn tài liệu với thư viện nước ngoài theo quy định của chính phủ.
- Nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào công tác thư viện, từng bước hiện đại hóa thư viện.
- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác thư viện.
- Bảo quản cơ sở vật chất kĩ thuật và các tài sản khác của thư viện.
-----------------
Nếu có nhu cầu chia sẻ, tìm tài liệu về hoạt động của Thư viện trường học, hoặc tìm kiếm thông tin tuyển sinh, tuyển dụng, thi viên chức, thi biên chế bạn có thể truy cập nhóm Facebook Hội THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC (Click vào đây để vào nhóm) nhé! Hội THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC chỉ chia sẻ các hoạt động nghiệp vụ về Thư viện Trường học, tuyệt đối không có bán hàng, bạn yên tâm nhé!
Chúc bạn thành công với nghề Thư viện!!!.
LUẬT VẠN THÔNG