Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động thẩm định trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp của văn bản thông qua hoạt động thẩm định trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
VANTHONGLAW - Thẩm định là một thủ tục bắt buộc, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật do chủ thể có thẩm quyền thực hiện với mục đích nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách toàn diện về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (về nội dung, hình thức, thẩm quyền, kỹ thuật soạn thảo văn bản) nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản với hệ thống pháp luật và các yêu cầu khác về chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, ký ban hành hoặc xem xét để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản.
Bài liên quan
>>> Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong quản lý hành chính nhà nước
>>> Khiếu nại hành chính là gì?
>>> Pháp luật về biểu tình trên thế giới và ở Việt Nam.
>>> Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam.
Thông qua kết quả thẩm định, cơ quan thẩm định cung cấp những thông tin về mặt pháp lý, thực tiễn và đưa ra những kiến nghị, đề xuất giúp cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản. Đồng thời, hoạt động thẩm định là cơ chế hữu hiệu nhằm kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động thẩm định trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL bao gồm thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó:
* Thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Điều 4 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) bổ sung quy trình xây dựng chính sách trong một số trường hợp đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Khi thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan thẩm định cần phải bám sát những quy định của Hiến pháp để đánh giá đầy đủ, toàn diện về nội dung của chính sách đề xuất, bảo đảm chính sách đó hợp hiến, hợp pháp, cụ thể hóa một cách toàn diện các quy định, nội dung, tinh thần của Hiến pháp. Trong đó, nội dung thẩm định về tính hợp hiến, hợp pháp tùy thuộc vào nội dung của chính sách, cần phải xem xét, đánh giá về các vẩn đề:
- Chính sách trong đề nghị dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp;
- Chính sách trong đề nghị nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đưa ra những giải pháp bảo đảm thi hành các quy định của Hiến pháp; - Chính sách trong đề nghị phù hợp với quy định của Hiến pháp về bản chất của nhà nước;
- Chính sách trong đề nghị phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
- Chính sách trong đề nghị phù hợp với quy định của Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước.
* Thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 đã quy định cụ thể về các loại văn bản phải thẩm định, trách nhiệm thẩm định của các cơ quan. Nội dung thẩm định về tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo văn bản với hệ thống pháp luật được coi là một trong các dung thẩm định quan trọng. Yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật được đặt ra xuyên suốt quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Để xác định tính hợp hiến của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể thẩm định cần xem xét sự phù hợp với các quy định cụ thể của Hiến pháp hoặc phù hợp với tinh thần, nguyên tắc của Hiến pháp về bản chất nhà nước, nội dung cơ bản của chế độ kinh tế, nghĩa vụ cơ bản của công dân, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước. Trong đó, đối với những quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thì những quy định phải phù hợp với nguyên tắc hiến định về tổ chức, hoạt động của từng loại cơ quan, người có thẩm quyển trong bộ máy nhà nước. Đối với những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì khi nghiên cứu dự thảo, người thẩm định cần đánh giá quy định của dự thảo bảo đảm không hạn chế quyền cơ bản của công dân.
Người thẩm định cần xem xét, đánh giá sự phù hợp về hình thức và nội dung văn bản với thẩm quyền của chủ thể ban hành văn bản; sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có giá trị pháp lý cao hơn; trình tự, thủ tục ban hành (lần đầu tiên pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nghiêm cấm ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), ví dụ như vi phạm quy định về đăng tải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản (người dân, doanh nghiệp...) nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ tính hợp hiến, hợp pháp trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các trường hợp xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục thông thường, không thuộc trường hợp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
//
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ