Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử. - Phần 2

Một số vấn đề khác biệt trong giao kết hợp đồng điện tử.


VANTHONGLAW -  Quan hệ hợp đồng điện tử thiết lập qua mạng Internet có nhiều đặc điểm khác biệt. Vì những yếu tố khác biệt đó mà một khuôn khổ pháp lý về hợp đồng điện tử đã dần dần hình thành. Do đó, ở nhiều nước trên thế giới, bên cạnh các đạo luật về hợp đồng truyền thống, người ta đã phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những quan hệ hợp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử.


Về chữ ký trong hợp đồng 

Một hợp đồng thường phải có chữ ký của các bên nhằm khẳng định sự thỏa thuận của các bên đối với các điều khoản trong hợp đồng. Chữ ký trong hợp đồng trước hết phải là biểu tượng thể hiện mong muốn của các bên. Xét về mặt pháp lý, một chữ ký trong hợp đồng chính là cơ sở để xác định mong muốn đó. Ngoài việc thể hiện mong muốn của các chủ thể, chữ ký còn thể hiện hai mục tiêu khác: Thứ nhất, nó có thể được sử dụng để xác định người ký; thứ hai, chữ ký có thể được sử dụng làm bằng chứng cho tính toàn vẹn của một văn bản (chẳng hạn, trong một văn bản dài, chữ ký không chỉ xuất hiện ở trang cuối mà còn xuất hiện trong từng trang, điều này có ý nghĩa bảo đảm hợp đồng là một thể thống nhất, chống lại sự thay đổi ở bất cứ phần nào trong hợp đồng, qua đó bảo đảm tính toàn vẹn của văn bản).

Đối với hợp đồng bằng văn bản, pháp luật hợp đồng các nước thường quy định việc các bên tham gia cùng ký vào một hợp đồng bằng văn bản là điều kiện cần để hợp đồng có giá trị pháp lý. Chữ ký có thể là bất kỳ biểu tượng nào (ví dụ như đóng dấu, điểm chỉ…) được sử dụng hoặc được chấp nhận bởi các bên tham gia với mục đích xác thực nội dung văn bản; tuy nhiên, sử dụng chữ ký viết tay vẫn là cách phổ biến để thể hiện sự đồng ý với các điều khoản của hợp đồng. Đối với hợp đồng điện tử, việc tạo lập một chữ ký hay đóng dấu sẽ không thể thực hiện được như đối với hợp đồng bằng văn bản, mà sẽ được ký bằng chữ ký điện tử. Nếu hợp đồng bằng văn bản thường nhất thiết phải gắn liền với chữ ký tay, thì hợp đồng điện tử có người bạn đồng hành là chữ ký điện tử. 

Chữ ký điện tử (electronic signature) là chữ ký được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký. Trong giao kết hợp đồng điện tử, chức năng xác thực và bảo đảm sự toàn vẹn là rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh các giao dịch điện tử được tự động hoá và hệ thống kỹ thuật, công nghệ về giao dịch điện tử dễ bị sửa đổi, thì nhu cầu có một cách thức đảm bảo nhận dạng bên đề nghị và bên được đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, cũng như sự toàn vẹn của thông điệp dữ liệu là rất cần thiết. 

Chữ ký điện tử có nhiều loại khác nhau, có thể là một cái tên đặt cuối thông điệp dữ liệu, một ảnh chụp chữ ký viết tay gắn với thông điệp dữ liệu, một mã số bí mật có khả năng xác định người gửi thông điệp dữ liệu,… trong số đó, có chữ ký điện tử an toàn do một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử tin cậy phát hành hoặc có loại chữ ký điện tử không đảm bảo độ an toàn do các bên giao dịch tự tạo ra. Dưới góc độ pháp lý, những chữ ký điện tử như vậy phải được thừa nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao kết hợp đồng điện tử. 

Vấn đề là ở chỗ, pháp luật phải đưa ra các tiêu chí để xác định và bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Câu hỏi đặt ra là, chữ ký điện tử nào đảm bảo chức năng tương đương với chữ ký truyền thống, đồng thời ngăn ngừa việc giả mạo chữ ký, xác thực người ký thông điệp dữ liệu và bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu sau khi đã ký. Khác với chữ ký tay, việc sử dụng chữ ký điện tử đặt ra vấn đề cần phải đảm bảo các yêu cầu về mặt công nghệ và về mặt pháp lý, tức là đảm bảo việc chữ ký điện tử được sử dụng an toàn và thể hiện ý chí rõ ràng của các bên về thông tin trong thông điệp dữ liệu. 

Vậy làm thế nào để nhận dạng chữ ký điện tử, hay nói cách khác, cần có biện pháp nào để các bên có thể xác định được chữ ký điện tử của đối tác. Về vấn đề này, cần có một cách thức nào đó mang tính kỹ thuật hoặc một tổ chức trung gian nhằm chứng thực tính xác thực và đảm bảo độ tin cậy của chữ ký điện tử. Đây là một vấn đề không xảy ra khi giao kết hợp đồng theo phương thức truyền thống, nhưng lại rất cần được quan tâm khi giao kết hợp đồng điện tử nhằm đảm bảo sự an toàn.

Về yêu cầu hợp đồng phải giao kết dưới hình thức văn bản 

Tự do thoả thuận là một trong những nguyên tắc quan trọng trong giao kết hợp đồng. Điều này có nghĩa là các bên được tự do lựa chọn hình thức thích hợp khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn pháp lý trong các giao dịch hợp đồng giữa các bên, nhằm mục đích tạo bằng chứng về hợp đồng đã được giao kết, tạo thói quen thận trọng khi giao kết hợp đồng và ngăn ngừa gian lận, pháp luật hợp đồng đặt ra giới hạn đối với một số loại hợp đồng cụ thể đòi hỏi bắt buộc phải được thiết lập bằng văn bản, nếu không hợp đồng đó sẽ không có hiệu lực. Hợp đồng điện tử đặt ra vấn đề xem xét lại yêu cầu về hình thức văn bản trong giao kết hợp đồng. Hợp đồng điện tử không được thể hiện ở dạng hữu hình như một văn bản, mà là phức hợp vô hình của các dòng điện tích hợp, dạng mã số của máy tính và các thuật toán không có trạng thái cố định. 

Các điều khoản của loại hợp đồng này có thể xuất hiện trên một trang web, trong một bức thư điện tử, hay trong một tệp tin, nhưng chúng không được viết bằng giấy trắng và mực đen, mà chỉ tồn tại trong bộ nhớ hay trên màn hình máy tính, điện thoại thông minh. Do vậy, câu hỏi đặt ra là liệu yêu cầu về hình thức văn bản có thể áp dụng đối với các hợp đồng điện tử hay không, liệu có khái niệm “văn bản” trong hợp đồng điện tử hay không? Văn bản là khái niệm đơn giản và dễ hiểu trong thế giới giấy mực, nhưng lại rất khác biệt trong thế giới điện tử - một thế giới không giấy tờ. Như vậy, quy định về hợp đồng phải được giao kết dưới hình thức văn bản là một rào cản pháp lý đối với sự phát triển của hợp đồng điện tử. Để tận dụng những ưu thế của hợp đồng điện tử, thì cần thiết phải xóa bỏ rào cản này. Tại Hoa Kỳ, người ta xóa bỏ rào cản này bằng cách không sử dụng khái niệm “văn bản”, mà thay vào đó sử dụng khái niệm “bản ghi”. 

Mục 2.13 Luật Thống nhất về giao dịch điện tử của Hoa Kỳ năm 1999 quy định: “Bản ghi được hiểu là thông tin được ghi trên một phương tiện hữu hình hoặc được lưu giữ trong môi trường điện tử hoặc phương tiện khác và có thể phục hồi được dưới dạng có thể nhận biết”. Khái niệm “bản ghi” phù hợp với hợp đồng điện tử hơn vì nó không chỉ giữ được ý nghĩa là hình thức văn bản hữu hình theo cách hiểu truyền thống, mà lại có thể bao gồm bất kỳ thông tin nào được lưu giữ bằng phương tiện điện tử hay phương tiện khác và có thể phục hồi được bằng hình thức có thể nhận biết. Sáng kiến này của các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã tháo gỡ mối lo ngại cho các khách hàng giao dịch trên mạng cũng như những công ty bán lẻ trực tuyến và gia tăng độ tin tưởng cho các giao dịch hợp đồng điện tử. 

Canada và Singapore cũng có cách làm tương tự khi các nước này ban hành Luật Giao dịch điện tử. Một cách khác để xóa bỏ rào cản pháp lý đối với hợp đồng điện tử là pháp luật ghi nhận hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý tương đương với hợp đồng dưới hình thức văn bản (văn bản giấy truyền thống). Đây là giải pháp được đưa ra trong Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1996 của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) (Điều 5) và nhiều nước, trong đó Việt Nam chúng ta cũng đi theo hướng này. Cách quy định này tạo cơ sở cho việc áp dụng ngay các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các giao dịch truyền thống trong điều kiện chưa thể đưa ra một khái niệm về hình thức văn bản tổng quát, phù hợp với cả môi trường truyền thống cũng như môi trường điện tử.

Về vấn đề bản gốc của hợp đồng 

Hợp đồng ký kết theo phương thức truyền thống thường có điều khoản quy định hợp đồng được lập thành bao nhiêu bản (có giá trị như nhau) và mỗi bên giữ mấy bản. Đây chính là những bản gốc của hợp đồng, tương ứng với số lượng bao nhiêu bản hợp đồng được thiết lập thì có bấy nhiêu bản gốc hợp đồng. Bản gốc là sự thể hiện tính toàn vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản, đảm bảo thông tin trong tài liệu là nguyên thủy, không bị thay đổi. Khi có tranh chấp xảy ra, bản gốc hợp đồng là chứng cứ có giá trị chứng minh cao về sự tồn tại của quan hệ hợp đồng giữa các bên. Được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. 

Những thông điệp dữ liệu được gửi đi thực chất chỉ là những bản copy, còn bản gốc vẫn được giữ lại ở máy tính đã khởi tạo ra hay đang lưu giữ thông điệp dữ liệu đó. Việc bảo đảm tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu này là điều không phải đơn giản trong một môi trường điện tử có thể dễ dàng sửa đổi. Nếu các thông điệp dữ liệu đó bị sửa đổi thì khó xác định được đâu là bản gốc. Thậm chí còn có ý kiến khẳng định: “Trên mạng máy tính không tồn tại bản gốc của hợp đồng, vì một số thông tin được đưa vào máy tính của bạn và giả thiết rằng văn bản gốc tồn tại dưới hình thức phi vật chất trong bộ nhớ của máy tính thì tất cả những gì mà các bạn in ra chỉ là những bản copy. 

Như vậy, cần phải tìm các biện pháp khác để đem lại cho những bản copy này một giá trị pháp lý nhất định, chứ không phải là những biện pháp truyền thống như biện pháp chứng thực văn bản viết”. Muốn giải quyết được các vấn đề liên quan đến bản gốc của một hợp đồng điện tử thì trước tiên cần phải sử dụng một số biện pháp để đảm bảo thông điệp dữ liệu sẽ không bị thay đổi, đảm bảo được sự nguyên vẹn và tính chính xác. Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi có sự kết hợp chặt chẽ giữa vấn đề kỹ thuật, công nghệ và vấn đề về pháp lý mà các bên giao kết hợp đồng điện tử không thể bỏ qua nếu muốn có đủ chứng cứ hợp lệ trong một vụ tranh chấp. 

Không xây dựng một đạo luật riêng điều chỉnh các quan hệ hợp đồng điện tử 

Từ những phân tích ở trên cho thấy, sự phức tạp mà hợp đồng điện tử mang lại đối với pháp luật hợp đồng hiện có và những vấn đề có thể nảy sinh khi áp dụng các quy định hiện tại đối với hợp đồng điện tử. Pháp luật hợp đồng truyền thống chưa đề cập hoặc có đề cập nhưng không đầy đủ và toàn diện về những vấn đề như thông điệp dữ liệu, giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử…, và vì vậy, chưa thể giải quyết được những vấn đề rất đặc thù phát sinh từ việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Khi phương thức giao kết hợp đồng thay đổi thì nhu cầu cần thiết là pháp luật về hợp đồng cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, những thay đổi đó chỉ mang tính hình thức, kỹ thuật, còn bản chất và mục đích của những giao dịch này vẫn không có gì thay đổi. 

Do đó, xây dựng một đạo luật riêng về hợp đồng điện tử là không cần thiết. Một luật chuyên biệt về hợp đồng điện tử sẽ chỉ là sự diễn đạt lại một cách khôn khéo những quy định pháp luật hợp đồng hiện tại để bao gồm cả hợp đồng điện tử. Trên thế giới, chúng ta chưa chứng kiến quốc gia nào xây dựng một đạo luật riêng điều chỉnh việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Thay vào đó, người ta thường ban hành những đạo luật điều chỉnh về hình thức điện tử của tất cả các giao dịch pháp lý (các điều kiện, cách thức để các giao dịch tiến hành bằng phương tiện điện tử được xem là có giá trị pháp lý như các giao dịch tiến hành bằng các phương tiện truyền thống), trong đó có hợp đồng; những vấn đề về nội dung của từng loại giao dịch vẫn do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. 

Hợp đồng là một giao dịch và những quy định về giao kết hợp đồng điện tử chỉ là một phần trong pháp luật về giao dịch điện tử hoặc thương mại điện tử mà thôi. Trên thế giới, xu hướng xây dựng pháp luật về giao dịch điện tử thường quy định 3 nhóm vấn đề cơ bản: 

i) Thừa nhận các giao dịch điện tử (qua việc thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu); 

ii) Thừa nhận chữ ký điện tử (chữ ký số) nhằm bảo đảm tính an toàn và bảo mật của các hệ thống thông tin; 

iii) Quy định về những khía cạnh liên quan tới giao dịch điện tử gồm: quyền và nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ mạng, thanh toán trực tuyến, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng, tội phạm, vi phạm trên mạng và cơ chế giải quyết tranh chấp trên mạng. Đối với Việt Nam, pháp luật về hợp đồng điện tử hiện

Đối với Việt Nam, pháp luật về hợp đồng điện tử hiện nay được xây dựng xoay quanh hai trụ cột chính là Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Năm 2005 là năm đầu tiên hợp đồng điện tử được pháp luật thừa nhận và quy định chính thức. Đây là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa khi nghiên cứu về quá trình xây dựng khung pháp luật điều chỉnh việc giao kết hợp đồng điện tử ở nước ta. Cho tới thời điểm này, về cơ bản, những văn bản quy phạm pháp luật được coi là quan trọng nhất tạo cơ sở pháp lý cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử đã được ban hành. 

Nội dung điều chỉnh pháp luật chủ yếu đối với hợp đồng điện tử ở Việt Nam được thể hiện ở các quy định về thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, nguyên tắc giao kết hợp đồng điện tử, trình tự giao kết hợp đồng điện tử, thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng điện tử, chữ ký trong hợp đồng điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử và bảo vệ thông tin cá nhân trong giao kết hợp đồng điện tử. Được lồng ghép trong các quy định chung về giao dịch điện tử, mô hình pháp luật điều chỉnh việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử của nước ta về cơ bản là theo xu hướng chung của thế giới: không xây dựng một đạo luật riêng điều chỉnh các quan hệ hợp đồng điện tử. 

Kết luận 

Để tận dụng những cơ hội to lớn mà công nghệ thông tin mang lại, nhiều nước (trong đó có Việt Nam) có chủ trương vừa phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ thương mại điện tử, vừa xây dựng mới hoặc là sửa đổi luật pháp để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các giao dịch điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng tham gia quan hệ này, đảm bảo cho các hợp đồng được ký kết thông qua các phương tiện điện tử cũng có giá trị pháp lý như khi các hợp đồng đó được ký kết bằng văn bản giấy theo phương thức truyền thống. 

Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet yêu cầu pháp luật phải có sự điều chỉnh để đáp ứng những đòi hỏi của một xã hội hiện đại. Nếu không thích ứng với những sự phát triển mới này, luật pháp lạc hậu sẽ khiến ngày càng nhiều vấn đề bị mang ra kiện tụng, và vì vậy sẽ khiến cho các luật sư cũng như các vị quan toà phải thám hiểm những vùng biển pháp lý phức tạp mà chưa ai đặt chân tới để tìm ra lời giải đáp.

---

Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Qưới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.