Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ở Việt Nam hiện nay.
VANTHONGLAW - Chế độ tài sản của vợ chồng là một chế định quan trọng trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng. Ở Việt Nam, từ năm 1945 đến nay đã có nhiều quy định về chế độ tài sản của vợ chồng. Pháp luật điều chỉnh về chế độ tài sản của vợ chồng vừa mang tính khách quan, vừa thể hiện ý chí chủ quan của Nhà nước. Về cơ bản, tài sản của vợ chồng được xác định dựa trên hai căn cứ: thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng (chế độ tài sản ước định) và theo quy định của pháp luật (chế độ tài sản pháp định).
Bài liên quan
>>> Vợ hoặc chồng tự ý góp vốn thành lập doanh nghiệp, có tự rút vốn được không?
>>> Thêm 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa phương, chậm nhất từ 00g00 ngày 19/7/2021
>>> Điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi Thuế Thu nhập doanh nghiệp
>>> Vợ chồng không đăng ký kết hôn, giải quyết tranh chấp tài sản như thế nào?
>>> Phân biệt tài sản chung, riêng của vợ chồng trước và sau khi kết hôn
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là việc vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của họ và thường được thể hiện dưới dạng văn bản (hôn ước, hợp đồng trước hôn nhân, thỏa thuận trước hôn nhân...). Vợ chồng có thể lựa chọn một trong các chế độ tài sản do pháp luật qui định hoặc tự thiết lập một chế độ riêng với điều kiện không trái với pháp luật.
Việc lựa chọn nghiên cứu Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ở Việt Nam hiện nay” là cần thiết bởi lý do: thứ nhất, phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Nhà nước nói chung và pháp luật về hôn nhân và gia đình nói riêng; thứ hai, xuất phát từ thực tiễn áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận bởi theo các báo cáo tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng nói chung và chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng của ngành Tòa án thực tế đã có nhiều quan điểm, nhận thức, đánh giá khác nhau, chưa có sự thống nhất từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cá nhân thực thi pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng.
Bên cạnh đó, việc xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng vẫn chưa phổ biến ở nước ta hiện nay, chỉ có một số trường hợp trước khi kết hôn có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nhưng chỉ có chữ ký của hai bên vợ chồng, không công chứng hay chứng thực. Vợ chồng trước hết với tư cách là những người công dân.
Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 17 và Điều 18. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân”. Theo đó, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận quyền sở hữu tài sản của công dân.
Trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, Khoản 1 và 2 Điều 32 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”.
Theo đó, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục ghi nhận quyền này một cách rõ ràng hơn, tiến bộ hơn. Nhận thức được tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình, Nhà nước ta đã sớm ban hành Luật Hôn nhân và gia đình từ năm 1959, sớm hơn nhiều so với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp,… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trải qua các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, tiếp sau Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 và năm 2000. Trong đó, chế độ tài sản của vợ chồng là một chế định quan trọng và nổi bật trong Luật hôn nhân và gia đình. Sau gần 13 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không còn phù hợp với thực tiễn.
Trong bối cảnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được ban hành (sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình 2000), trong đó, quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là bước phát triển mới, phù hợp với Hiến pháp 2013, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Bên cạnh kết quả đạt được của pháp luật điều chỉnh chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, thực tiễn áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 126/2014/NĐ-CP về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập: một số nội dung vẫn mang tính chất định khung, nguyên tắc chung, chưa thực sự đầy đủ, cụ thể dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Bên cạnh đó, do quan niệm, tâm lý e dè khi đề cập đến vấn đề thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn bởi như vậy là quá rạch ròi, đề cao yếu tố vật chất nên trên thực tế có rất ít trường hợp lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thực hiện và áp dụng chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận góp phần vào sự ổn định các quan hệ hôn nhân và gia đình, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian qua việc thực hiện pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời.
Vì vậy, việc nghiên cứu Luận văn “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ở Việt Nam hiện nay” là cần thiết nhằm làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của quy định pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, từ đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình ở nước ta hiện nay.
Xem toàn văn luận văn thạc sĩ “Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ở Việt Nam hiện nay” tại đây.
Luật Vạn Thông