Nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hay công ty cổ phần?

 Nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hay công ty cổ phần?

Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19, luận văn, luận án


 
VANTHONGLAW - Thành lập doanh nghiệp là quy trình tất yếu xảy ra trong tiến trình thương mại hóa, toàn cầu hóa hiện nay; là bước đầu để các nhà đầu tư thực hiện các dự định kinh doanh sản xuất và thu lợi nhuận. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay lại quy định về nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau với cơ cấu tổ chức, hoạt động khác nhau dẫn đến việc lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của các nhà đầu tư là một vấn đề quan trọng.

Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra khi các nhà đầu tư dự định thành lập doanh nghiệp là nên thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (sau đây gọi tắt là công ty TNHH) hay công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là CTCP). Việc lựa chọn một loại hình công ty phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện sẽ đóng vai trò trong sự thành công của doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nói riêng. Nhìn chung, hai loại hình công ty này đều có lợi thế là:

-   Thành viên trong công ty chịu trách nhiệm trong giới hạn phần vốn góp của mình, điều này giúp giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào công ty;

-      Là loại hình công ty có khả năng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, giữa hai loại hình công ty này cũng có những ưu và nhược điểm riêng, bài viết này sẽ nêu lên những đặc điểm cơ bản của hai loại hình công ty này. Từ đó, phân tích ưu và nhược điểm của từng loại hình, giúp các nhà đầu tư có sự cân nhắc tốt hơn khi có nhu cầu thành lập doanh nghiệp.

1.   Ưu và nhược điểm của công ty TNHH hai thành viên trở lên và CTCP

    * Công ty TNHH hai thành viên trở lên

a)  Đặc điểm:

-       Là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân;

-       Số lượng thành viên tối thiểu là 02 và tối đa là 50 thành viên;

-       Vốn điều lệ là tổng số vốn góp của hợp lệ của các thành viên trong công ty;

-       Không được phát hành cổ phần;

-      Cơ cấu tổ chức gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và Giám đốc.

b)  Ưu điểm:

-      Mô hình tổ chức công ty đơn giản, với Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất;

-     Pháp luật quy định giới hạn số lượng thành viên giúp cho việc kiểm soát các thành viên trong công ty dễ dàng hơn;

-    Ngoài ra, khi có thành viên tham gia góp vốn hoặc rút vốn phải trải qua nhiều thủ tục, điều này giúp các nhà đầu tư kiểm soát được vốn điều lệ cũng như có thể quyết định được việc lựa chọn thành viên góp vốn.

c)   Nhược điểm:

-     Chính vì có sự giới hạn trong số lượng thành viên, khiến cho công ty bị hạn chế khả năng tiếp nhận đầu tư từ các tổ chức, cá nhân;

-     Công ty TNHH không được phép phát hành cổ phần, điều này khiến cho khả năng huy động vốn của công ty bị hạn chế;

-     Các thành viên công ty không được tự do chuyển đổi phần vốn góp khiến cho các tổ chức, cá nhân do dự trong việc đầu tư.

    * Công ty cổ phần:

a)    Đặc điểm:

-      Là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân;

-      Số lượng thành viên tối thiểu là 03 và không bị giới hạn về số lượng;

-      Vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau;

-      Có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và chứng khoán khác của công ty;

-      Có 02 mô hình cơ cấu tổ chức, nhà đầu tư có thể chọn một trong hai mô hình.

b)    Ưu điểm:

-    Không bị giới hạn số lượng thành viên nên thoải mái trong việc tiếp nhận vốn góp từ các tổ chức, cá nhân;

-   Hình thức huy động vốn đơn giản, thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng (đặc điểm riêng của công ty cổ phần);

-    Việc chuyển nhượng cổ phiếu dễ dàng, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc đầu tư vào công ty.

c)   Nhược điểm:

-      Mô hình tổ chức cồng kềnh khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn cũng như việc đưa ra quyết định hoặc phương hướng kinh doanh gặp nhiều bất lợi;

-      Việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông dễ dàng dẫn đến hệ quả là khó kiểm soát được thông tin các cổ đông.

Từ các phân tích về ưu và nhược điểm riêng của mỗi loại hình, ta có thể kết luận rằng:

(i) Loại hình công ty TNHH phù hợp với những nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ để dễ dàng quản lý, chưa có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp hoặc những nhà đầu tư hợp tác với nhau thành lập công ty trên cơ sở có quen biết, quan hệ hoặc đầu tư trong gia đình, họ hàng.

(ii) Loại hình CTCP phù hợp với những nhà đầu tư có dự định thành lập doanh nghiệp với quy mô lớn, mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư chất lượng, định hướng phát triển công ty thành một doanh nghiệp có sức ảnh hưởng trên thương trường.

2. Thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần:

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ:

Cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

Đối với công ty TNHH:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Đối với CTCP:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

(có thể tham khảo các biểu mẫu trong Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành)

Bước 2: nộp hồ sơ cho Cơ quan đăng ký doanh nghiệp:

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền đăng ký doanh nghiệp  thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp với Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo một trong ba phương thức:

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Bước 3: Cơ quan đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Bước 4: Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận kinh doanh:

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh phải thông báo nội dung cần sửa chữa cho người thành lập doanh nghiệp;

Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì phải trả lời bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp về lý do không chấp nhận.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về việc nên thành lập loại hình công ty nào. Chúc ông/bà sớm tìm được loại hình công ty phù hợp với định hướng và điều kiện của bản thân để đầu tư và phát triển!

                                                                                                                    BÍCH TRÂM
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.