Những lưu ý khi giao kết hợp đồng theo mẫu
Những lưu ý khi giao kết hợp đồng theo mẫu
Để
làm rõ những vấn đề cần
lưu ý khi giao kết hợp đồng theo mẫu, trước tiên cần phải nghiên cứu các quy định của pháp
luật Việt Nam về hợp đồng theo mẫu, cụ thể là trong Bộ luật dân sự 2015 và Luật
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo
quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự 2015:
“1.
Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu
để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời
chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề
nghị đã đưa ra.
Hợp
đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về
những nội dung của hợp đồng.
Trình
tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.
2.
Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp
đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
3.
Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp
đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia
thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Ngoài
ra, tại khoản 5 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng định nghĩa về
hợp đồng theo mẫu như sau:
“Hợp
đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn
thảo để giao dịch với người tiêu dùng”.
Từ những quy định của pháp luật nêu trên, ta có thể định nghĩa hợp đồng theo mẫu là hợp đồng có những đặc điểm cơ bản sau:
1. Hợp đồng chỉ do một bên xây dựng, soạn thảo nội dung và đề xuất cho bên còn lại ký kết. Khi đó, bên được đề xuất ký kết hợp đồng hầu như chỉ có thể đồng ý hoặc không đồng ý với tất cả nội dung trong hợp đồng. Rất ít trường hợp bên được đề xuất có thể đàm phán, sửa đổi nội dung trong hợp đồng. Do đó, có thể nói rằng yếu tố cơ bản của hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên đã bị hạn chế trong các hợp đồng theo mẫu;
2. Chủ thể xây dựng, soạn thảo hợp đồng theo mẫu chủ yếu là các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để giao dịch với người tiêu dùng. Đặc trưng này dẫn đến sự chênh lệch vị thế giữa cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng. Hệ quả là người tiêu dùng có khả năng cao chịu bất lợi khi ký kết các hợp đồng này vì không đàm phán được về nội dung hợp đồng;
3. Nội dung được soạn thảo trong hợp đồng theo mẫu thường được cân nhắc kỹ càng và có sự tham khảo nhất định. Hợp đồng theo mẫu thường do các tổ chức, cá nhân kinh doanh ban hành để giao kết với số lượng lớn khách hàng nên việc cân nhắc, soạn thảo các nội dung trong hợp đồng một cách hợp lý sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu được các tranh chấp pháp lý.
Như
vậy, có thể nhận thấy trong hợp đồng theo mẫu, người tiêu dùng thường là bên bị
yếu thế khi giao kết hợp đồng vì không thảo luận được về nội dung hợp đồng. Các
doanh nghiệp mặc dù đã cố gắng xây dựng những điều khoản hợp lý để giảm thiểu
các rủi ro pháp lý, nhưng các điều khoản lại thường theo hướng giảm trách nhiệm
của doanh nghiệp, tăng trách nhiệm của người tiêu dùng nên vẫn không đảm bảo
được trọn vẹn quyền lợi cho người tiêu dùng. Trên thực tế, hợp đồng theo mẫu
thường được áp dụng trong lĩnh vực bảo hiểm, tín dụng,...là những loại hợp đồng
có tỷ lệ phát sinh tranh chấp cao. Chính vì các lẽ đó, pháp luật đã xây dựng
nên những quy định nhằm bảo vệ bên còn lại trong hợp đồng theo mẫu nói chung và
người tiêu dùng nói riêng. Cụ thể:
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định:
- Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu.
- Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải lưu giữ hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Trường hợp hợp đồng do người tiêu dùng giữ bí mật hoặc hư hỏng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cấp cho người tiêu dùng bản sao hợp đồng.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu trong trường hợp phát hiện hợp đồng theo mẫu vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
- Trường hợp xác định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng hợp đồng theo mẫu có nội dung vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể áp dụng biện pháp buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ loại bỏ điều khoản vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ra khỏi hợp đồng theo mẫu.
- Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự 2015 cũng có những quy định bảo vệ bên còn lại trong trường hợp bên soạn thảo đưa ra những nội dung bất lợi:
- Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
- Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, người tiêu dùng cần phải nắm rõ các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết hợp đồng theo mẫu. Sau đây là một số lưu ý cho các khách hàng khi giao kết hợp đồng theo mẫu:
(i) Yêu cầu khoảng thời gian hợp lý để nghiên cứu hợp đồng;
(ii) Khi nhận thấy có điều khoản bất lợi, cần đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu;
(iii) Trường hợp cho rằng nội dung trong hợp đồng theo mẫu vi phạm quyền lợi của mình, thì có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện (Ủy ban nhân dân cấp huyện) xem xét, áp dụng biện pháp buộc doanh nghiệp đó loại bỏ điều khoản vi phạm.
Nếu có tranh chấp pháp lý về hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp thì các điều khoản trong hợp đồng được quy định như sau:
- Nếu có điều khoản không rõ ràng trong hợp đồng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích;
- Bên cạnh đó, nếu hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của doanh nghiệp, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thì điều khoản này sẽ không có hiệu lực.
Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định và chứng minh các điều khoản được xem là miễn trách nhiệm của doanh nghiệp, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng với Tòa án là không hề đơn giản. Vì vậy, khi có tranh chấp về hợp đồng theo mẫu người tiêu dùng cần phải hiểu rõ các quy định của pháp luật hoặc nhờ đến những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật trợ giúp.
BÍCH TRÂM
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ