Quy định về hôn nhân đồng giới ở Việt Nam
Quy định về hôn nhân đồng giới ở Việt Nam
Thuật ngữ "hôn nhân đồng giới" chưa được định
nghĩa một cách rõ ràng về mặt pháp lý, tuy nhiên ta có thể hiểu: Hôn nhân đồng
giới là việc hai người có cùng giới tính xác lập quan hệ hôn nhân. Theo quy
định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sau đây gọi tắt là LHNGĐ 2000) thì
việc kết hôn giữa hai người cùng giới tính là trường hợp bị pháp luật nghiêm
cấm. Tuy nhiên đến ngày 01 tháng 01 năm 2015, khi Luật Hôn nhân và Gia đình
2014 (sau đây gọi tắt là LHNGĐ 2014) có hiệu lực thay thế cho Luật 2000 thì
điều khoản cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính đã không còn được quy
định nữa.
Đồng thời, tại khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 8 LHNGĐ 2014 cũng quy định như sau:
- Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn;
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Như vậy, từ những quy định của LHNGĐ 2014 ta có
thể thấy pháp luật Việt Nam hiện nay “không cấm kết hôn giữa những người
cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới”.
Vậy thế nào là không cấm kết hôn nhưng cũng
không thừa nhận hôn nhân đồng giới?
Theo đó, khi LHNGĐ 2000 vẫn đang có hiệu lực thì
việc kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ bị phạt hành chính từ 100.000 -
500.000 đồng theo quy định tại Điều 8 Nghị định 87/2011/NĐ-CP; đến thời điểm
LHNGĐ 2014 có hiệu lực thì pháp luật không còn quy định về phạt hành chính đối
với hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính. Điều này đã thể hiện quan
điểm của Nhà nước là không cấm kết hôn đồng giới.
Bên cạnh đó, việc Nhà nước không thừa nhận hôn
nhân đồng giới được xuất phát từ quy định của pháp luật Việt Nam là chỉ công
nhận việc kết hôn giữa 2 người nam và nữ. Hệ quả của quy định không cấm nhưng
cũng không thừa nhận hôn nhân đồng giới là Nhà nước không cấm các cặp đôi đồng
tính kết hôn, tổ chức hôn lễ, sống chung với nhau như vợ chồng. Tuy nhiên, việc
kết hôn đó sẽ không được cơ quan có thẩm quyền công nhận và cấp Giấy đăng ký
kết hôn, Nhà nước cũng sẽ không công nhận quan hệ vợ chồng trong trường hợp
này.
2.
Liệu trong tương lai, Việt Nam sẽ cho phép kết hôn đồng giới?
Không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên
Thế giới đều đang cân nhắc các ưu, nhược điểm cũng như phương thức để hợp thức
hóa hôn nhân đồng giới, nhất là khi tỷ lệ người đồng tính ngày càng tăng cao.
Hiện nay, trên Thế giới đã có khoảng 30 nước cho phép kết hôn đồng giới, trong
đó Hà Lan là quốc gia tiên phong và trao nhiều quyền hơn cho những người đồng
tính vào tháng 4/2001. Trải qua hơn hai thập kỷ, số lượng các Quốc gia hợp thức
hóa hôn nhân đồng giới đã tăng lên nhưng nhìn chung quá trình này vẫn diễn ra khá chậm. Nguyên nhân là do vẫn còn một lượng lớn người dân bài xích và không chấp nhận việc hai
người có cùng giới tính yêu và xác lập quan hệ hôn nhân với nhau.
Pháp luật Việt Nam hiện nay đã có một bước tiến được xem là khá tiến bộ khi bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng để đi
đến việc thừa nhận và cho phép kết hôn đồng giới thì rất khó và cần rất nhiều
thời gian. Bởi lẽ, khi thừa nhận hôn nhân đồng giới có thể sẽ gây ra nhiều hệ
lụy tiêu cực đến xã hội vì đây là chủ đề nhạy cảm, mặc dù đại đa số mọi người
đã có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này nhưng không phải bất kỳ người dân nào
cũng chấp nhận và ủng hộ vì mối quan hệ đồng tính sẽ ảnh hưởng đến truyền thống
văn hóa gia đình Việt, khả năng duy trì nòi giống của thế hệ sau,... Ngoài ra,
việc sửa đổi quy định cho phép kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng sẽ
kéo theo việc sửa đổi tất cả các quy định liên quan đến xác lập quan hệ vợ
chồng; quan hệ tài sản; quan hệ cha, mẹ, con trong hệ thống pháp luật nước ta.
Như vậy, ta vẫn có thể tin rằng pháp luật Việt
Nam trong tương lai sẽ cho phép kết hôn đồng giới. Nhưng để đạt được bước tiến
đó đòi hỏi các nhà lập pháp phải nghiên cứu, tham khảo và học hỏi từ các Quốc
gia khác để hoàn thiện những quy định liên quan đến vấn đề này.
BÍCH
TRÂM
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ