Quy định về hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động hiện hành
Quy định về hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động hiện hành
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật lao động:
“1. Hợp đồng lao động là
sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả
công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan
hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa
thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công,
tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp
đồng lao động.
2. Trước khi nhận người
lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động
với người lao động.”
Và theo quy định tại Điều 14 Bộ luật lao động thì
hợp đồng lao động phải được lập bằng văn bản. Tuy nhiên, đối với hợp đồng có
thời hạn dưới 01 tháng mà không thuộc các trường hợp bắt buộc phải giao kết hợp
đồng bằng văn bản thì các bên có thể giao kết bằng lời nói. Vậy, ta thấy rằng,
hầu hết các hợp đồng lao động đều phải được lập thành văn bản.
Hiện nay, pháp luật có quy định 02 loại hợp đồng
lao động tại Điều 20 Bộ luật lao động:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: hợp đồng lao động mà
trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời hiệu chấm dứt hiệu lực của hợp
đồng
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai
bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng
thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ có thể giao
kết hợp đồng lao động dưới dạng hợp đồng lao động không xác định thời hạn và
hợp đồng lao động xác định thời hạn. Đối với hợp đồng lao động không xác định
thời hạn thì thời hạn chấm dứt hiệu lực của hợp đồng không được quá 36 tháng.
Sau khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hiệu lực mà người sử dụng lao động vẫn muốn tiếp tục sử dụng lao động thì phải ký tiếp hợp đồng lao động mới trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm hợp đồng lao động trước đó hết hiệu lực. Tuy nhiên cần lưu ý, hợp đồng lao động xác định thời hạn chỉ có thể ký thêm một lần nữa, khi hợp đồng này tiếp tục hết hiệu lực mà người lao động vẫn làm việc thì phải giao kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ các trường hợp sau:
- Người lao động là người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;
- Người lao động là người cao tuổi thì hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động nhiều lần;
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (thời hạn giao kết hợp đồng không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động;
- Người lao động là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì phải gia hạn hợp đồng lao động đến hết nhiệm kỳ.
Đối với trường hợp hợp đồng lao động xác định
thời hạn hết hiệu lực, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà trong thời hạn
30 ngày kể từ thời điểm hợp đồng hết hiệu lực hai bên không tiếp tục ký hợp
đồng mới thì hợp đồng xác định thời hạn sẽ trở thành hợp đồng không xác định
thời hạn. Trên thực tế, người sử dụng lao động thường sẽ áp dụng quy định này
để chuyển hóa hợp đồng lao động xác định thời hạn thành hợp đồng lao động không
xác định thời hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp bản thân là người lao động và
cảm thấy các điều khoản trong hợp đồng lao động trước đó không còn phù hợp
trong hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người lao động có thể yêu cầu
người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động mới với các điều khoản rõ
ràng hơn để bảo đảm quyền và lợi ích cho mình.
Ngoài ra, người lao động còn có thể giao kết
nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động theo quy định tại Điều
19 Bộ luật lao động. Tuy nhiên, khi tham gia ký kết nhiều hợp đồng lao động,
người lao động phải cân nhắc việc bảo đảm thực hiện được các nội dung đã ký kết
trong hợp đồng lao động. Khi ký kết nhiều hợp đồng lao động, người lao động còn
cần phải tham khảo các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm
thất nghiệp để đảm bảo được các quyền, lợi ích của mình.
Bích
Trâm
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ