Xuất khẩu lao động là gì? Điều kiện để xuất khẩu lao động và những công việc bị cấm
Xuất khẩu lao động là gì? Điều kiện để xuất khẩu lao động và những công việc bị cấm
Xuất khẩu lao động được hiểu đơn giản là việc người lao động trong
nước sang một nước khác làm việc dưới các hình thức khác nhau, trong một khoảng
thời gian nhất định.
Đặc điểm của xuất khẩu lao động:
1.
Có quan hệ mua bán “sức lao động” vượt qua ranh giới lãnh thổ quốc
gia
2.
Quan hệ mua bán sức lao động được xác lập dưới các hình thức hợp
đồng mà pháp luật quy định
3.
Hợp đồng lao động có thể có ba bên tham gia ký kết và thường có sự
tham gia của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo quy định pháp luật, xuất khẩu lao động thuộc
một trong các trường hợp người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và chịu sự
điều chỉnh của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở
nước ngoài theo hợp đồng. Theo quy định của Luật này, để được đi
xuất khẩu lao động, người lao động phải thỏa đủ các điều kiện do pháp luật quy
định:
- Từ đủ 18 tuổi
-
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
-
Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài.
-
Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của
bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
-
Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, trình độ, kỹ
năng nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao
động.
-
Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị
tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về mặt kinh tế, không thể phủ nhận các lợi ích từ việc xuất khẩu
lao động mang lại. Và trên thực tế, ở nước ta có rất nhiều hộ gia đình nghèo có
mong muốn cho con cái được đi xuất khẩu lao động để khi về nước sẽ có cuộc sống
chất lượng hơn. Họ thường tìm được các công ty môi giới và làm theo chỉ dẫn của
công ty mà không tìm hiểu các quy định về xuất
khẩu lao động.
Chính vì thế, đã có rất nhiều trường hợp tiền mất tật mang mà không nhận được
kết quả gì. Như vậy, để bảo vệ bản thân, tránh bị lừa đảo do thiếu kiến thức về
pháp luật, người lao động trước tiên phải nắm được các điều kiện mà pháp luật
quy định để xuất khẩu lao động. Ngoài ra, người lao
động còn cần phải hiểu rõ những hình thức xuất
khẩu lao động ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, xuất khẩu lao
động có 04 hình thức:
1. Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, tổ chức
sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
2. Thông qua doanh nghiệp nhận
thầu, tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài
3.
Thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở
nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề
4.
Người lao động tự đi theo hình thức hợp đồng cá
nhân
Cần lưu ý là hiện nay pháp luật Việt Nam không cho phép người lao
động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài làm các công việc sau:
-
Công việc mát-xa tại nhà hàng, khách sạn hoặc trung tâm giải trí;
- Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ; chất độc hại
trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm); tiếp xúc
thường xuyên với măng-gan, đi-ô-xít thủy ngân;
-
Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ
các loại;
- Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với hóa
chất axit ni-tơ-ríc, na-tơ-ri xun-phát, đi-xun-phua các-bon hoặc thuốc trừ sâu,
thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, thuốc sát trùng, thuốc chống mối mọt có độc
tính mạnh;
-
Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;
-
Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới
lòng đất, lòng đại dương);
-
Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Và không được làm việc ở các khu vực sau:
- Khu vực đang có chiến sự
hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự;
- Khu vực đang bị nhiễm xạ;
- Khu vực bị nhiễm độc;
- Khu vực đang có dịch bệnh
đặc biệt nguy hiểm.
Quy định trên nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người lao động
Việt Nam, tránh trường hợp người lao động Việt Nam đi làm việc trong môi trường
và khu vực thiếu an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, người lao động
cần phải tìm hiểu rõ những công việc mà mình phải làm theo hợp đồng để tránh
trường hợp rơi phải làm những công việc pháp luật không cho phép, dẫn đến gặp
khó khăn khi áp dụng pháp luật để tự bảo vệ bản thân.
BÍCH TRÂM
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ