Bồi thường chi phí đầu tư vào đất trong trường hợp không được bồi thường về đất

Bồi thường chi phí đầu tư vào đất trong trường hợp không được bồi thường về đất 

Công ty luật, luật sư uy tín, sách luật, văn phòng luật sư tphcm, hà nội, đà nẵng, uy tín, tranh chấp, di chúc thừa kế, nhà đất, thành lập doanh nghiệp, bảo vệ tại tòa án, lý lịch tư pháp, sách luật hay, thư viện trường học, ly hôn, phần mềm quản lý công ty luật, bình luận án lệ, COVID-19, luận văn, luận án


VANTHONGLAW - Kể từ ngày 18/12/1980, khi Hiến pháp năm 1980 của nước ta ra đời, đất nước ta chỉ tồn tại một chế độ sở hữu duy nhất đối với đất đai là chế độ công hữu dưới tên gọi “sở hữu toàn dân”. Theo đó, đất đai thuộc sở hữu của toàn thể nhân dân nhưng Nhà nước sẽ là chủ thể đại diện nhân dân thực hiện quyền sở hữu bằng các hoạt động: quản lý thông tin, dữ liệu và tài chính về đất đai; điều phối đất đai thông qua việc lập kế hoạch sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất,...hoặc quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Khi có quyết định thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, kinh tế,...thì theo nguyên tắc, Nhà nước phải lập kế hoạch bồi thường cho người sử dụng đất đủ điều kiện được bồi thường về nhà và đất. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, người sử dụng đất đều đáp ứng được các điều kiện để được bồi thường về đất. Chính vì vậy, ngoài quy định về nguyên tắc bồi thường về đất và tài sản trên đất thì pháp luật đất đai cũng quy định về các trường hợp mặc dù không được bồi thường về đất nhưng vẫn được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng đất.

1.     Các trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất:

Theo quy định tại Điều 76 Luật Đất đai 2013 thì các trường hợp sau người sử dụng đất khi bị thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không được bồi thường về đất nhưng vẫn được bồi thường đối với các chi phí đầu tư vào đất còn lại:

-      Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;

-    Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;

-       Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;

-        Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

-        Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Chi phí đầu tư vào đất còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định  số 47/2014/NĐ-CP bao gồm:

-     Chi phí san lấp mặt bằng;

-     Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

-    Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

-      Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

2.     Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể tại Điều 3 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT thì người sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện về hồ sơ để chứng minh về các khoản đầu tư vào đất như sau:

    Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất. Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.

-      Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

-      Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất quy định tại Điểm a Khoản này;

-      Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.

-     Người có đất thu hồi không có một trong các loại giấy tờ nêu trên nhưng thực tế đã có đầu tư vào đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương quyết định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.

    Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

3.     Công thức tính chi phí đầu tư vào đất:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì công thức tính chi phí đầu tư vào đất tính như sau:

Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và được xác định theo công thức sau:

P = (P1 + P2 + P3 + P4)/T1 x T2

Trong đó:

P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại;

P1: Chi phí san lấp mặt bằng;

P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;

P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;

T1: Thời hạn sử dụng đất;

T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.

Đối với trường hợp thời điểm đầu tư vào đất sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thời hạn sử dụng đất (T1) được tính từ thời điểm đầu tư vào đất.

Như vậy, trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình không đủ điều kiện để được bồi thường về đất nhưng thỏa các điều kiện để được bồi thường về chi phí đầu tư về đất thì vẫn được bồi thường về chi phí đầu tư. Ngoài ra, các cá nhân, hộ gia đình cũng cần tìm hiểu thêm các nguyên tắc bồi thường khác khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình khi trở thành người có đất bị thu hồi. Lưu ý rằng, bồi thường chi phí đầu tư vào đất chỉ áp dụng trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh hoặc để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Bích Trâm
---
Khách hàng có nhu cầu "Tư vấn pháp lý doanh nghiệp; làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm nhà đất, sổ tiết kiệm, tài khoản ngân hàng; hợp thức hóa nhà đất; đăng ký thành lập doanh nghiệp...", vui lòng liên hệ:


Địa chỉ: 284 Lê Văn Quới, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP. HCM
SĐT: (028) 3620 7824 - (028) 3636 0124 - 091 809 1001
Email: info@vanthonglaw.com - vanthonglaw@gmail.com
Tra cứu pháp luật miễn phí: http://www.luatvanthong.com
BẢO VỆ TỐT NHẤT QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA THÂN CHỦ
LUẬT VẠN THÔNG
Powered by Blogger.